Hãng tin AP dẫn lời các nguồn tin ngoại giao cho biết, thỏa thuận đạt được sau 4 ngày giằng co thương lượng và với sự can thiệp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Ngoại trưởng 3 nước châu Âu, Nga và Trung Quốc.
Thỏa thuận được kí kết vào lúc 3 giờ sáng (giờ Thụy Sĩ) tại Cung điện các quốc gia ở Geneva. Theo thỏa thuận này, Iran sẽ dừng hoặc giảm bớt một phần các cơ sở hạt nhân của nước này và đây sẽ là hành động tạm dừng đầu tiên của Iran sau hơn một thập kỷ.
“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận”, Michael Mann, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, viết trên tài khoản Twitter. Trong khi đó Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đăng tải thông tin tương tự.
Theo các quan chức phương Tây có liên quan, thỏa thuận này là bước đi đầu tiên tiến tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện dự kiến được kí kết trong vòng 6 tháng tới nhằm yêu cầu Iran dừng lại hoặc không tiếp tục hoạt động của các cơ sở hạt nhân chính. Thỏa thuận đó cũng sẽ đòi hỏi Cộng hòa Hồi giáo dừng việc lắp đặt các máy li tâm mới dùng để làm giàu uranium.
Các quan chức cho hay Iran cũng đồng ý dừng chế tạo một số chi tiết cho lò phản ứng nước nhẹ giúp chế tạo plutonium. Ngoài ra, Iran cũng chấp nhận để các thanh sát viên hạt nhân quốc tế được phép thanh tra hàng ngày các cơ sở hạt nhân của nước này.
Các quan chức cho rằng những nhượng bộ trên không chỉ dừng các bước tiến về hạt nhân của Iran mà còn khiến Tehran không thể âm thầm chế tạo vũ khí nguyên tử. Đổi lại, các lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran sẽ được nới lỏng và nước này có thể tiếp cận các tài khoản tiền gửi ở nước ngoài hiện đang bị đóng băng trị giá gần 7 tỷ USD. Tuy nhiên các lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực trở lại nếu Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.
Phát biểu tại Nhà Trắng sau khi kết quả thương lượng được công bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi các nhà thương lượng: “Chúng ta đã theo đuổi một chính sách ngoại giao có tính tập trung cao độ. Ngày hôm nay, chính ngoại giao đã mở ra một con đường mới tới một thế giới an toàn hơn”.
“Lần đầu tiên trong gần một thập kỷ chúng ta đã khiến Iran phải dừng một phần chương trình hạt nhân”, ông Barack Obama nói.
Thỏa thuận này là chiến thắng mà chính quyền Obama mong mỏi bấy lâu và cũng là chiến thắng của Ngoại trưởng Kerry, người đã tới Geneva 2 lần trong nửa tháng để tham gia vào các cuộc thương lượng.
Tuy nhiên, có khả năng thỏa thuận này sẽ đối mặt với sự phản đối dữ dội từ các đồng minh then chốt của Mỹ, chủ yếu là Israel và Ả-rập-Xê-út cũng như các nghị sĩ Mỹ theo tư tưởng hoài nghi và muốn Iran phải nhượng bộ nhiều hơn nữa bằng cách dỡ bỏ hẳn chương trình hạt nhân của nước này.