Ngày 16/10, một bé trai người Mỹ đã đề nghị “giết sạch người Trung Quốc” trong chương trình Jimmy Kimmel Live! của đài truyền hình ABC. Sự việc vốn đã chỉ dừng lại từ quan điểm ngây thơ của một đứa trẻ, nhưng người dẫn chương trình Jimmy Kimmel lại vấp phải sự phản đối gay gắt của Hoa kiều ở Mỹ khi nhận xét rằng “đây là một ý tưởng hay”.
Mặc dù sau đó, Jimmy Kimmel đã công khai xin lỗi trên số sau của chương trình này, thậm chí cúi đầu xin lỗi những người biểu tình trước cửa đài ABC tại Los Angeles và giải thích rằng ông không cố ý xúc phạm, nhưng như vậy có vẻ chưa đủ xoa dịu phẫn nộ của Hoa kiều tại Mỹ. Họ đã biểu tình đòi sa thải Jimmy Kimmel, đồng thời kêu gọi tẩy chay đài ABC cũng như yêu cầu các cuộc điều tra đối với đài truyền hình này.
Người Trung Quốc ở Mỹ biểu tình đòi sa thải Jimmy Kimmel, phản đối phân biệt chủng tộc.
Theo thống kê của cộng đồng người Hoa, có hơn 10.000 người Trung Quốc tại Mỹ đã tụ tập trên đường phố, quảng trường và studio, biểu tình trên khắp khoảng 22 thành phố của Mỹ. Họ giơ cao những biểu ngữ ghi: "Giết người không phải là trò đùa", "Phản đối phân biệt chủng tộc"..., đòi sa thải Jimmy Kimmel, đồng thời kêu gọi tẩy chay đài ABC cũng như yêu cầu các cuộc điều tra đối với đài truyền hình này.
Phó chủ tịch Hiệp hội người Hoa ở bờ Tây nước Mỹ cho biết họ biểu tình phản đối bạo lực, phân biệt chủng tộc không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người Hoa mà còn cho tất cả các cộng đồng dân tộc khác.
Về phần mình, Zhang Yan, người Thượng Hải, sinh viên Đại học Pennsylvania tham gia biểu tình tại quảng trường Thời Đại (New York) cho biết: "Tôi nghĩ đài ABC không chủ ý làm vậy, đó có thể chỉ là một sai lầm. Không cần thiết phải sa thải Jimmy, tôi chấp nhận lời xin lỗi của ông ấy. Tôi chỉ muốn đứng ở đây để ủng hộ quan điểm chống phân biệt đối với người Hoa".
Trên trang web trưng cầu dân ý của của Nhà Trắng đã có tới hơn 100 nghìn chữ kí kháng nghị về nội dung chương trình của đài ABC - điều này buộc chính phủ Mỹ đưa ra hồi đáp trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng việc để bụng lời nói của một đứa bé là hơi quá đáng, nhưng nhiều nhận định cho biết đây có thể là giọt nước làm tràn ly, vì lợi ích và tiếng nói của cộng đồng người Hoa tại Mỹ từ trước đến nay vẫn thường bị xem nhẹ.