Mỹ, EU chỉ trích, đe doạ Nga sau phát biểu của ông Putin

Sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3, phương Tây đã có những tuyên bố không mấy thiện chí.

Theo Reuters, trong chuyến thăm Ba Lan nhằm khẳng định cam kết của Washington về việc bảo vệ các đồng minh NATO ở khu vực biên giới với Nga, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi hành động của Moscow là “cướp đất”.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donand Tusk cho rằng hành động của Nga không thể khiến cộng đồng quốc tế chấp nhận được.

Ngoài ra, Anh cũng đã ngừng việc hợp tác quân sự với Nga. “Nga không thể sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới của mình dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trước mũi súng của Nga”, Thủ tướng Anh David Cameron nói và đe dọa ông Putin với “những hậu quả nặng nề hơn”.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng lên tiếng chỉ trích rằng: “Nga đã không tôn trọng mọi lời kêu gọi quay trở lại tuân thủ luật pháp quốc tế mà thay vào đó đã tiếp tục dấn thân vào một con đường nguy hiểm. Việc sáp nhập Crimea là trái pháp luật và NATO sẽ không công nhận việc này”.

Trước đó, ngày 17/3 Mỹ và EU cũng đã áp dụng lệnh trừng phạt với một số quan chức của Nga và Ukraine bị buộc tội liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào Nga.

Các chính trị gia tại Nga đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định này của Mỹ và EU. Hạ viện Nga đã đưa ra một tuyên bố thúc giục Washington và Brussels mở rộng lệnh trừng phạt của mình lên tất cả các thành viên của Hạ viện.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/3 cũng lên tiếng rằng: “Các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU đưa ra là không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết lãnh đạo các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (gọi tắt là G8) sẽ nhóm họp bên lề của Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại La Hay, Hà Lan vào tuần tới mà không có Nga để thảo luận về việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Bất chấp những lời lẽ phản ứng gay gắt, các nước phương Tây đã rất cẩn trọng trong các bước đi thực tế chống lại Moscow vừa là nhằm để ngỏ cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao vừa là do ngần ngại việc này có thể đe dọa việc khôi phục kinh tế thế giới.

Cả Washington và Brussels đã nói rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây ảnh hưởng đến các hợp đồng kinh tế, năng lượng và buôn bán vũ khí toàn cầu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại