Mỹ: Đòi kiểm soát tàu cá ở biển Đông, TQ 'khiêu khích, nguy hiểm'

My Lan |

(Soha.vn) - Mỹ cảnh cáo việc làm của Trung Quốc là động thái khiêu khích và ẩn chứa nguy hiểm.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay: "Việc Trung Quốc thông qua những hạn chế trong hoạt động đánh bắt cá của các nước tại một phần của khu vực tranh chấp trên biển Đông là một động thái khiêu khích và ẩn chứa nguy hiểm... Trung Quốc đã không đưa ra bất cứ giải thích hoặc cơ sở luật pháp quốc tế nào cho những tuyên bố về hàng hải trên diện rộng của mình".

"Quan điểm lâu dài của chúng tôi là các bên liên quan nên tránh những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu khả năng thành công của những giải pháp hòa bình hoặc giải pháp ngoại giao".

Cơ quan lập pháp tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã đơn phương phê duyệt quy định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào vùng biển tranh chấp trên biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên khẳng định là của mình, trong đó có cả các nhóm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.

Quy định vô lý này không đưa ra cụ thể khung hình phạt song các yêu cầu trong đó tương tự với điều luật quốc gia mà Trung Quốc đưa ra năm 2004. Theo đó, các tàu cá đi vào vùng lãnh thổ của Trung Quốc mà không được cho phép có thể phải bị bắt, bị tịch thu thiết bị đánh cá và phải chịu mức phạt tới 500.000 nhân dân tệ. Những quy định này của Trung Quốc, nếu được thực thi rộng rãi, có thể làm gia tăng những căng thẳng tại biển Đông.

Về phần mình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng tuyên bố rằng quy định này là hoàn toàn bình thường, rằng "mục đích của nó là nhằm tăng cường an ninh đối với các nguồn lợi thủy sản, sử dụng công khai, hợp lý và bảo vệ các nguồn thủy sản đó".

Theo Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Shi Yinhong từ Đại học Nhân dân, quy định kiểm soát vùng đánh cá trên biển Đông có thể phụ thuộc vào quốc tịch của ngư dân. Ông này mạnh miệng khẳng định: "Tôi nghĩ Hải Nam nên làm rõ với các nước có liên quan rằng chúng tôi có một quy định như vậy, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện nó tùy vào mối quan hệ song phương. Nếu mối quan hệ tốt, quy định có thể được nới lỏng. Nếu không, chúng tôi sẽ thực hiện nó một cách chặt chẽ, nghĩa là bạn phải xin phép chúng tôi trước khi đi vào".

Trước đó, việc Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trọn quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư, buộc các máy bay đi vào vùng này phải báo cáo lịch trình bay với mình, cũng đã khiến quan hệ giữa nước này với Nhật Bản trở nên căng thẳng và gặp phải sự chỉ trích từ phía Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại