Động thái đó ngay lập tức làm mếch lòng Trung Quốc khi một quan chức cấp cao của nước này cho rằng “cú huých”đã làm rạn nứt mối quan hệ đôi bên.
Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Foreign Policy số tháng 8, Mỹ đã cho xây dựng đường băng loại nhỏ trên đảo Saipan ở Thái Bình Dương nhằm đề phòng trường hợp căn cứ quân sự trên đảo Guam hoặc sân bay ở phía Tây Thái Bình Dương bị phong tỏa hay bị các tên lửa Trung Quốc tấn công. Ngoài ra, Không quân Hoa Kỳ còn tỏa ra các hướng tới Australia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines… để “tăng cường lực lượng”.
Tuy Lầu Năm Góc luôn khẳng định chiến lược này không nhắm tới một quốc gia cụ thể nào, song, chuyên gia của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế Anthony Cordesman nhận định rằng những căn cứ quân sự nói trên nhằm đề phòng tham vọng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương trong tương lai.
Trên Hoa Đông, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCainngày 21/8 phát biểu tại Tokyo đã khẳng định quan điểm đứng về phía Nhật Bản trong các tranh chấp. “Đây không phải vấn đề đem ra thảo luận bởi Trung Quốc đang xâm phạm những quyền lợi cơ bản của Nhật Bản trong vấn đề quần đảo Senkaku”, ông John khẳng định.
Trước đó, trước cách hành xử hăm dọa của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, lần lượt các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, từ các Nghị sỹ, tới Bộ trưởng Quốc phòng, hay tới cả Tổng thống Obama đều đã đưa ra các lời cảnh báo và yêu cầu Bắc Kinh không sử dụng cũng như đe dọa sử dụng vũ lực trên vùng biển này.
Ngay lập tức, Giám đốc Văn phòng Đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc Quan Hữu Phi đã vội vàng lên tiếng ám chỉ các hoạt động trính thám của Mỹ là “động thái nguy hiểm” và “ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ hai nước”. Riêng về vấn đề Đài Loan, ông này còn lớn tiếng đề nghị Mỹ cần có cái nhìn sáng suốt khi bán F-16 cho đảo này.
Sự hậm hực như được nhân lên khi Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc Mạnh Tường Thanh “trách” Washington không có những bước thay đổi bền vững trong nhiều năm qua để “nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới”.
Song, có thể thấy một mặt Bắc Kinh đang lôi kéo các nước đang tham gia vào vấn đề Biển Đông nhằm tạo vây cánh, mặt khác Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh của các “lực lượng chấp pháp” để sẵn sàng đối phó với cái gọi là “ảnh hưởng tới lợi ích hàng hải” của họ. Sự hợp nhất Hải giám, Ngư chính, Hải quan, Cảnh sát biển với hơn 16 ngàn nhân viên và 11 đội tàu, máy bay hoạt động trải dài từ Biển Hoa Đông xuống Biển Đông để có được Hải cảnh càng cho thấy khả năng hoạt động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông hay Hoa Đông ngày càng được nâng cao, gây quan ngại cho các quốc gia láng giềng. Nhà phân tích Alex Pape thuộc IHS Jane mô tả số tàu Hải cảnh của Trung Quốc được trang bị rất nhiều các trang thiết bị khác nhau. “Va chạm với các nước láng giềng trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi”, ông Arthur Ding thuộc Đại học Chính trị ở Đài Loan nhận định.