Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo tại Trung Đông?

Trong bài trả lời phỏng vấn "Thời báo New York" số ra cuối tuần, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan E.Rice đã đề cập tới chính sách Trung Đông mới của Tổng thống Barack Obama.

Chính sách mới này được "Thời báo New York" mô tả là "khiêm tốn", tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu cao cấp về Trung Đông Elliott Abrams thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ ngày 28/10, từ "khiêm tốn" không phải là từ "đắt" và chính sách mới này thể hiện thực tế là Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo tại khu vực.

Chính sách Trung Đông mới của Mỹ được mô tả là “khiêm tốn”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice cho rằng mục tiêu chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama là tránh không để các sự kiện tại khu vực này "nuốt chửng" chương trình nghị sự đối ngoại của mình như đã từng xảy ra với các đời tổng thống trước. Bà Suran Rice khẳng định: "Chúng tôi không thể bị cuốn hút 24giờ/ngày và 7 ngày/tuần vào một khu vực, dù nó quan trọng thế nào. Tổng thống nghĩ rằng đã đến lúc chúng tôi cần lùi lại và đánh giá lại theo một cách thức không bị gò bó về việc chúng tôi sẽ quan niệm về khu vực đó như thế nào".

Đối với vấn đề hạt nhân Iran, chính sách mới của chính quyền Barack Obama đặt ưu tiên vào việc tìm kiếm một thỏa thuận thông qua đàm phán, và những tuyên bố trước đây rằng "tất cả các lựa chọn vẫn còn ở trên bàn" giờ đây không còn nữa. Không ai có thể tính toán chính xác vị thế đàm phán của Mỹ và phương Tây đã suy yếu như thế nào khi mà sự lo sợ của Iran về một cuộc tấn công quân sự đã tan biến.

Ưu tiên tiếp theo là tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, bất chấp thực tế là không một quan chức nào của Israel và Palestine tin rằng sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó vào thời điểm này. Ưu tiên thứ ba là Syria, và chính sách của Mỹ hiện nay có vẻ tập trung vào các cuộc đàm phán tại Geneva vốn đang chìm trong vũng lầy chưa lối thoát.

Vậy điều gì còn thiếu trong chính sách mới của Mỹ? Theo chuyên gia Elliott Abrams, chính sách Trung Đông mới của Mỹ không có sự quyết tâm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, kể cả khi các cuộc đàm phán đổ vỡ hay lập trường của Iran trong các cuộc đàm phán là không thể chấp nhận được. Chính sách này cũng thiếu một quyết định nhằm ngăn chặn các lực lượng viễn chinh của Iran và Hezbollah giành thắng lợi tại Syria, vốn sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong cả khu vực.

Chính sách mới của Mỹ cũng không có những cam kết ủng hộ những cá nhân trong khu vực, những người đang nỗ lực đấu tranh hòa bình vì nhân quyền và dân chủ. Chính sách này thiếu một lời hứa đối với các đồng minh, chẳng hạn như Jordan và các nước vùng Vịnh, vốn đang phải đối mặt với Iran, rằng nước Mỹ sẽ luôn sát cánh khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng tị nạn. Và nói cho cùng thì cái thiếu chính là vai trò lãnh đạo của Mỹ, và đây chính là sự than phiền và lo sợ của các nước bạn bè của Mỹ trong khu vực.

Ông Elliott Abrams cho rằng nhận định của "Thời báo New York" không hoàn toàn là phỏng đoán vì nó dựa trên lời của chính Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Tổng thống Barack Obama. Những nhận định của bà Susan Rice sẽ cổ vũ cho các “kẻ thù” của Mỹ tại Trung Đông, chẳng hạn như Hezbollah, chính quyền Syria và Iran, và khẳng định với các bạn bè của Mỹ rằng họ sẽ phải tự lực cánh sinh nhiều hơn trong những năm tới chứ không còn được như những thập kỷ qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại