Trang web Huanqiu của Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) trích đăng một phần bài viết trên trang tin quân sự Stars and Stripes (Mỹ) cho biết trong cuộc tập trận “Lá chắn Valiant” tổ chức ở phía Tây Thái Bình Dương hồi giữa tháng 9, Washington đã thử nghiệm chiến thuật “Tác chiến Không - Biển” nhằm tăng cường khả năng “chống tiếp cận - từ chối khu vực” của quân đội Mỹ, cho phép các đơn vị không quân và hải quân nhập lại nếu bị kẻ địch ngăn chặn.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa Trung Quốc vào danh sách cần đối phó trong bản tóm tắt chiến thuật năm 2013 nhưng với sự gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh, Washington đang xem xét biện pháp để kiềm chế một Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng.
Tuy nhiên, Đại tá thủy quân lục chiến về hưu kiêm nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Mỹ TX Hamas cho rằng chiến thuật “Tác chiến Không - Biển” có một điểm yếu, đó là quân đội Mỹ không thể phát hiện và tấn công các tên lửa nhiên liệu rắn cùng với bệ phóng tên lửa di động của Trung Quốc đúng thời điểm. Hơn nữa, chiến thuật này còn có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Hamas đề xuất Mỹ nên chặn Trung Quốc đi qua eo biển Malacca để giảm thiểu xung đột. Theo đó, chỉ cần 13-15 đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ để giữ khoảng 800 tàu Trung Quốc xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cảng ở eo biển Malacca. Ông Hamas cho biết đây là biện pháp hữu hiệu có thể “bóp cổ” Trung Quốc mà không làm chính quyền Bắc Kinh cảm thấy mất mặt vì bị chèn ép.
Một số chuyên gia khác lập luận nếu áp dụng biện pháp của ông Hamas, các nước láng giềng Trung Quốc trong khu vực bị chặn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giới phân tích dự đoán bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có nguy cơ xảy ra mà không thể nào đoán trước được.