Mỹ bắt một giáo sư gốc Hoa làm gián điệp cho Trung Quốc

Hà My |

Trang Value Walk ghi nhận trường hợp một giáo sư người Mỹ gốc Hoa làm việc tại đại học Temple (bang Philadelphia) là gián điệp mạng Trung Quốc ăn cắp tài liệu mật của chính phủ Mỹ cho Trung Quốc, nhằm tư lợi cá nhân.

Hãng tin AP đưa tin công tố viên Mỹ cáo buộc giáo sư vật lý học Xi Xiaoxing, 47 tuổi, là gián điệp mạng Trung Quốc ăn cắp tài liệu mật, thực hiện hành vi gián điệp và cung cấp thông tin công nghệ từ Mỹ đến một bên giấu tên.

Xi không nhận tội hôm 4.6, và tòa quyết định trả tự do tạm cho y với mức tiền bảo lãnh tại ngoại 100.000 USD và bị tịch thu hộ chiếu.

Xi là giáo sư nghiên cứu về hiện tượng siêu dẫn. Đây là ngành vật lý được sử dụng rộng rãi nhằm cải thiện tốc độ vi mạch máy tính. Y tiếp tục làm việc ở đại học Temple, nhưng không nắm chức trưởng khoa vật lý do bị bắt.

AP không cho biết rõ tài liệu nào thực sự đã bị phát tán. Câu hỏi đặt ra là dạng thông tin “công nghệ Mỹ” bí mật nào đã được Xi chia sẻ với Bắc Kinh? Các công nghệ bí mật có liên quan tình báo quân sự Mỹ?

Và câu hỏi chính là tại sao Mỹ tố cáo gián điệp TQ ăn cắp tài liệu mật vào đúng lúc này? Liệu có liên quan việc hệ thống điện toán Mỹ bị tin tặc gần đây, mà các quan chức Mỹ cáo buộc đó là tin tặc TQ?

Hay chỉ là một cách Mỹ nói: “Chúng tôi biết bọn điệp viên TQ của các ông ở đây, vậy thì thôi đi”?

Tính đến nay, trường hợp giáo sư đại học Temple đánh cắp tài liệu mật của chính phủ Mỹ cho TQ không phải trường hợp hiếm, nhưng nó khiến quan chức quan ngại căng thẳng trên không gian ảo sẽ đi theo chiều hướng phức tạp hơn.

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh mạng có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Chiến tranh mạng Mỹ - Trung bắt đầu?

Value Walk ghi nhận hành vi tin tặc gần đây tại Cục Quản lý nhân sự (OPM) gồm thủ đoạn đánh cắp thông tin cá nhân của 4 triệu nhân viên liên bang Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ ra tuyên bố, ngoài cơ quan nói trên, dữ liệu của Bộ Nội vụ Mỹ cũng chịu số phận tương tự.

Hiện Cục Điều tra Liên bang (FBI) mở cuộc điều tra, nhằm tìm hiểu lý do lẫn cách thức thực hiện vụ xâm nhập này.

Đối tượng bị tình nghi nhiều nhất là các tin tặc TQ, vì những năm gần đây cho thấy tần suất tấn công dữ liệu nhân viên Mỹ của nhóm tin tặc này rất lớn.

Không chỉ riêng FBI đang hướng điều tra vào các đối tượng này, nhiều quan chức và nghị sĩ Mỹ cũng nhắc đến nhiều vụ tấn công mạng chính phủ Mỹ từng diễn ra đều được xác định có nguồn gốc từ Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao TQ không nhận, cũng không chối về sự cáo buộc TQ dính líu vào những cuộc tấn công mạng Mỹ.

Nhiều chuyên gia tin rằng bằng cách tấn công mạng, TQ hẳn nhằm nỗ lực cải thiện cách do thám chính phủ Mỹ.

Các vụ tấn công mạng đều nhằm thu thập thông tin của nhân viên liên bang rồi xem xét mức độ những người này có quyền truy cập vào hệ thống thông tin chính phủ ở mức nào. Điều này được xem như chẳng khác nào dạng “thù địch xâm lược Mỹ”, đúng như những gì quan chức nước này lo lắng.

Tuy nhiên, người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao TQ nói: rất khó chứng minh ai là thủ phạm đứng sau vụ tấn công mạng Mỹ.

NBC dẫn lời ông hôm 5.6: “Nếu không có quá trình điều tra rõ ràng, bạn sẽ có những kết luận vội vàng. Chúng tôi nghĩ đây là điều vô trách nhiệm và phản khoa học”.

Ông Hồng nói thêm, rằng TQ không liên quan các vụ tấn công mạng và phản đối tất cả những hình thức tấn công mạng, vì Bắc Kinh cũng là nạn nhân. Ông đề nghị Mỹ thôi không nghi ngờ Mỹ.

OPM sẽ thành gián điệp của TQ

Thế lực bên ngoài đứng sau vụ tấn công mạng, thường là nhóm tin tặc TQ, có thể sử dụng thông tin đánh cắp, để biến nhân viên chính phủ Mỹ thành điệp viên cho họ, bằng cách mua chuộc hoặc đe dọa.

Nhiều phần mềm độc hại thâm nhập OPM thường có khả năng kết nối với giao thức Internet là IP, rồi từ địa chỉ IP kết nối các máy chủ có miền web OPMlearning.org. Một khi nhân viên chính phủ nhấp chuột vào trang tin này, họ vô tình trở thành nạn nhân của tin tặc.

Thông thường, bất kể những tay hacker nào đều thiết lập máy tính  do chúng đăng nhập với những tên nặc danh như Tony Stark, Steve Rogers, Natasha Roanoff hay James Rhodes (tên những nhân vật trong phim The Avengers).

Vậy câu hỏi đặt ra: chuyện gì xảy ra nếu không phải tin tặc TQ mới hoành hành trong những vụ thiệt hại lớn nhỏ hiện nay ?.  CHDCND Triều Tiên cũng là đối tượng bị nghi ngờ, nhất là từ sau vụ tập đoàn Sony Corporation bị tấn công bởi nhóm hacker từ Bình Nhưỡng.

Vụ việc đã khiến một lượng lớn email cá nhân và thông tin “nhạy cảm” phía Sony bị truyền ra ngoài.

Liệu Mỹ có thắng TQ trong cuộc chiến mạng?

Theo nhiều chuyên gia, hacker TQ là đối tượng tình nghi hàng đầu, trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi từ những quan điểm và động thái trái chiều tại Biển Đông.

Động cơ đằng sau vụ vi phạm tại OPM có thể đơn thuần chỉ là chọc giận giới chóp bu Mỹ, khiến họ có những phát ngôn hay động thái “mất khôn”.

Cũng có thể mục tiêu của nhóm tin tặc TQ là nhằm đánh giá tiềm năng của đối thủ, từ đó lên kế hoạch hành động tiếp theo tại các hòn đảo ở Biển Đông.

Ngoài ra, không gian ảo cũng là nơi thuận lợi để các hacker tìm ra kẽ hở đánh cắp thông tin và gây bất lợi cho các nạn nhân.

Trong mọi trường hợp, Mỹ vẫn có thể đứng trụ sau những vụ tấn công, nhờ vào công nghệ và thiết bị làm vũ khí hiện đại trên không gian ảo.

Năm 2013, Edward Snowden, một nhân viên kiểm soát thông tin làm việc tại Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (NSA), đã rò rỉ nhiều tài liệu nhạy cảm của NSA, dấy lên nghi ngại trong công chúng về phạm vi hoạt động của gián điệp mạng.

Nhìn chung, nếu giữa hai bên Mỹ-Trung xảy ra chiến tranh mạng, Washington vẫn có thể đáp đòn với Bắc Kinh, bất luận Bắc Kinh có nhiều lần tấn công nước này trên mọi địa hạt công nghệ-kỹ thuật nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại