Trang Đa Chiều cho hay, ban nhạc nữ gồm các thành viên do đích thân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lựa chọn đã tập trung tại sân bay quốc tế Bắc Kinh vào chiều 12/12, khi chỉ còn cách giờ biểu diễn 4 tiếng, và lên máy bay về nước trong chuyến bay lúc 16h17.
30 phút sau đó, Đại kịch viện quốc gia Trung Quốc thông báo các buổi biểu diễn dự kiến của nhóm nhạc bị hủy bỏ.
22h30 tối cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông tin ngắn gọn rằng chương trình của Moranbong "không diễn ra theo dự kiến là do liên kết địa phương gặp sự cố".
Moranbong cùng Đoàn hợp xướng công huân Triều Tiên tới thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc từ hôm 9/12 và dự kiến biểu diễn từ 12-14/12 tại Đại kịch viện quốc gia ở thủ đô Bắc Kinh.
Đây là chuyến lưu diễn nước ngoài đầu tiên của nhóm nhạc nổi tiếng này.
Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ Trung-Triều có phần bế tắc do vấn đề hạt nhân Triều Tiên và việc Kim Jong Un thanh trừng các quan chức cấp cao, sự xuất hiện của Moranbong ở Bắc Kinh được đánh giá là dấu hiệu ấm lên rất tích cực giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Dù Trung Quốc nhanh chóng đưa ra thông báo về việc hủy biểu diễn của Moranbong, nhưng giới quan sát nhận định phổ biến rằng đã có những biến động lớn trong quan hệ song phương dẫn đến sự cố này.
Căn cứ vào mối quan hệ gần gũi nhiều thập kỷ cũng như những diễn biến trong thời gian qua trong quan hệ Trung-Triều, Đa Chiều nêu ra một số nguyên nhân lớn có khả năng dẫn tới vụ việc Moranbong lần này.
Hình ảnh các nghệ sĩ Triều Tiên mang hành lý bước ra khỏi Khách sạn Dân tộc ở thủ đô Bắc Kinh hôm 12/12 vẫn được trang Wangyi của Trung Quốc chú thích là "tới chuẩn bị ở Đại kịch viện quốc gia", cho thấy vụ "bỏ về" diễn ra hoàn toàn bất ngờ.
Trung-Triều mâu thuẫn về tuyên bố "sẵn sàng dùng bom khinh khí" của Kim Jong Un
Tuyên bố trên của ông Kim được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin hôm 10/12. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo này đề cập đến việc nghiên cứu, chế tạo bom khinh khí của Bình Nhưỡng. Thông tin này cũng nhanh chóng gây chấn động trong cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc là quốc gia đưa ra phản ứng chính thức sớm nhất về vụ việc với lời tái khẳng định: "Trung Quốc kiên định với chủ trương phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, kiên trì thông qua đối thoại giải quyết vấn đề.
Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có nỗ lực mang tính xây dựng đối với việc gìn giữ hòa bình bán đảo và nhanh chóng tái khởi động đàm phán 6 bên."
Trên thực tế, việc Bắc Kinh lặp lại quan điểm của mình không khác gì "dội nước lạnh" vào Kim Jong Un như những tuyên bố trước đây về thái độ phản đối Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chỉ có điều, sự kiện lần này diễn ra trong bối cảnh truyền thông chính thống Trung Quốc đang đẩy mạnh tuyên truyền "làm nóng" quan hệ với Triều Tiên như một "đồng minh xương máu" trong quá khứ.
Thời điểm truyền thông Triều Tiên đăng tải tuyên bố của ông Kim "trùng hợp" với chuyến lưu diễn quan trọng của Moranbong còn được một số nhà phân tích đánh giá là "phép thử" của Bình Nhưỡng đối với thái độ của Bắc Kinh.
Trong trường hợp đó, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên không nể nang gì mà "thẳng tay" rút các đoàn nghệ thuật của mình về đã nằm trong phản ứng dự kiến của nước này.
Tuy nhiên, động thái có phần "làm bẽ mặt" Trung Quốc không giúp Bình Nhưỡng thu về được gì nhiều nếu ông Kim thực sự đặt kỳ vọng vào một sự thay đổi của Bắc Kinh với họ.
Theo Đa Chiều, dù thông tin công khai trên website của Bộ ngoại giao Trung Quốc không đề cập, nhưng tại cuộc họp báo hôm mùng 10, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh còn đánh giá: "Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện tại phức tạp và nhạy cảm, thậm chí rất mong manh."
Một phát ngôn khác của bà Hoa, sau đó cũng không được đưa lên website chính thức, là lời nhắc nhở: "Trung Quốc hy vọng quốc gia đương sự có thêm hành động để làm giảm căng thẳng."
Đa Chiều cho rằng, Bộ ngoại giao Trung Quốc hết sức thận trọng xử lý thông tin về tuyên bố của Kim Jong Un bởi xét đến khả năng vấn đề quan hệ Trung-Triều bị "soi mói và bình luận" quá đà, khó kiểm soát trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Quan trọng hơn, Bắc Kinh không chỉ phê bình Triều Tiên mà còn "ngầm" chỉ trích "các bên liên quan" đang gây ảnh hưởng lên tình hình bán đảo.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng phản ứng có phần "nhẹ nhàng" của Trung Quốc là cử chỉ tạo không khí hữu nghị đối với nhóm Moranbong cùng Đoàn hợp xướng công huân Triều Tiên vừa có mặt tại Bắc Kinh cùng ngày mùng 10.
Dù vậy, sau khi Moranbong hủy diễn và khởi hành về Triều Tiên, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng xóa bỏ phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh vào ngày 11 rằng: "Ban nhạc Moranbong thăm Trung Quốc là sự kiện thể hiện Triều Tiên xem trọng quan hệ Trung-Triều".
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) còn dẫn nguồn truyền thông Hồng Kông nói rằng, vụ việc Moranbong cho thấy quan hệ Trung-Triều đang leo thang căng thẳng và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tăng cường khoảng 2.000 lính gần biên giới với Triều Tiên để đề phòng sự cố.
Tuy nhiên, chính phủ và truyền thông Trung Quốc không xác nhận thông tin này, đồng thời không có động thái giải thích nhiều hơn về sự việc vừa qua.
Trung-Triều mâu thuẫn về nội dung chương trình và khán giả
Theo Đa Chiều, Trung Quốc trước đây từng nhiều lần trì hoãn hoạt động lưu diễn tới nước này của Moranbong bởi giữa đôi bên tồn tại nhiều mâu thuẫn quanh nội dung biểu diễn cũng như đối tượng khán giả.
Trong khi Bình Nhưỡng kỳ vọng các buổi biểu diễn "nổi bật chủ đề tư tưởng" thì Bắc Kinh không ủng hộ điều này.
Triều Tiên cũng bị từ chối yêu cầu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xuất hiện trong chương trình, còn Trung Quốc tỏ ý "cao nhất chỉ cử Ủy viên Bộ chính trị" khiến Bình Nhưỡng không hài lòng.
Một diễn biến khác làm Triều Tiên bất mãn là việc Trung Quốc thường xuyên đăng tải thông tin theo hướng "Bình Nhưỡng chủ động đề nghị tiến hành chuyến lưu diễn của Moranbong" và "hạ thấp Triều Tiên bằng cách tuyên truyền Kim Jong Un thăm Trung Quốc".
Vụ Moranbong hé lộ những mâu thuẫn phức tạp trong quan hệ Trung-Triều. Ảnh: KCNA
Vấn đề đào tẩu và thanh trừng quan chức ở Triều Tiên
Theo chính phủ Triều Tiên, những người bị nước này cáo buộc là "kẻ đào tẩu" hoàn toàn không phải vì lý do chính trị như "thế lực thù địch miêu tả" mà là các tội phạm cần bị xử lý về mặt luật pháp và dư luận.
Sau khi lên nằm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thanh trừng "quyền lực số 2" Jang Song Thaek - quan chức cấp cao thân với Bắc Kinh - vào tháng 12/2013 và mới đây buộc Ủy viên Bộ chính trị đảng Lao động Choe Ryong Hae, cũng là nhân vật quan hệ tốt với Trung Quốc, "về nông thôn cải tạo".
Thậm chí, có nguồn tin còn nói rằng có khả năng xuất hiện thành viên trong nhóm Moranbong có ý định đào tẩu trong chuyến lưu diễn, khiến Bình Nhưỡng phải vội vàng hủy bỏ chương trình.
Tuy nhiên, giả thuyết này khó đứng vững bởi dù trong tình huống nào, điều đó cũng chưa đủ nghiêm trọng để Triều Tiên phải từ bỏ "hoạt động văn hóa mang đầy ý nghĩa chính trị" nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Gần dịp tưởng niệm 4 năm ngày mất lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il
Đa Chiều cho biết, 17/12 là 4 năm ngày mất của cha nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Triều Tiên dự định tổ chức nghi thức tưởng niệm trên toàn quốc, trong khi hoạt động giao lưu văn hóa với Trung Quốc "tình cờ" rơi vào dịp này.
Với truyền thống ngừng mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ trong ngày giỗ của lãnh đạo, việc Bình Nhưỡng bất ngờ hủy bỏ chương trình của Moranbong là "hợp tình hợp lý".
Dù vậy, cũng với nguyên nhân như trên, không nhiều khả năng Triều Tiên đã "quên" ngày giỗ của nhà lãnh đạo Kim Jong Il khi tiến hành thỏa thuận lịch trình hoạt động của các nghệ sĩ với phía Trung Quốc.