70 năm sau khi bài diễn văn lịch sử "Nguồn tiếp sức cho hòa bình" của Winston Churchill đưa cụm từ "mối quan hệ đặc biệt" trở thành bất diệt, tình hữu nghị của Anh và Mỹ một lần nữa lại có biểu hiện rạn nứt, theo
Tổng thống Barack Obama cuối tuần trước đã "nhắc khéo" Thủ tướng Anh David Cameron trong bài phỏng vấn trên The Atlantic.
Trò chuyện với nhà báo Jeffrey Goldberg, Tổng thống Mỹ đã quy trách nhiệm cho châu Âu về cuộc chiến sau khi lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi tại Libya. Thủ tướng Cameron, theo ông Obama, đã bị "phân tâm bởi nhiều điều khác".
Nhà Trắng sau đó đã phải nhanh chóng đứng ra tuyên bố khẳng định mối quan hệ Mỹ-Anh vẫn "đặc biệt như thuở ban đầu", nhưng có lẽ đã quá muộn, ông Stewart nhận định.
Tầng lớp trí thức London không ngừng than vãn, trách móc Washington, như họ vẫn thường làm khi mối quan hệ với đối tác bên kia Đại Tây Dương bị hoài nghi.
Trên thực tế, khái niệm "quan hệ đặc biệt" có lẽ chỉ còn có ý nghĩa tại Anh, bởi trọng trách giữ gìn danh hiệu cường quốc thế giới mà nó đang nắm giữ, khi vị thế của Anh giờ đây đã không còn được như xưa.
Trái lại, ở Mỹ, cụm từ trên đã mất đi ý nghĩa từ năm 1970, khi một bài báo trên tờ TIME nhận xét rằng ý nghĩa của mối quan hệ này "thậm chí không bằng một phần của năm 1946".
Trong bài phỏng vấn đánh dấu chuyến thăm của cựu Thủ tướng Harold Wilson đến Washington, một người được hỏi đã ví nước Anh khi đó như "con bướm vẫy vùng đập cánh ngoài rìa thế giới".
Tất nhiên mọi học giả của Thuyết hỗn loạn đều có thể khẳng định chắc nịch rằng một con bướm vỗ cánh cũng có thể gây ra mưa ở phía bên kia bán cầu.
Bởi vậy, có thể nói, dù tầm ảnh hưởng đã mai một, Anh vẫn là đồng minh hữu ích đối với Mỹ, đặc biệt là khi nước này cần đối tác ném bom kẻ thù chung của phương Tây. Bất cứ khi nào Washington cần một lực lượng ủy nhiệm, quân đội Anh luôn có mặt đầu tiên.
Tuy nhiên, khi muốn bàn tính công việc, Mỹ lại gọi cho Đức, và cũng chỉ vào những lúc không bận bịu giao thiệp với những người bạn mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà thôi.
Trên thực tế, dưới thời Obama, Mỹ đã xây dựng mối quan hệ đặc biệt với toàn thế giới, từ Trung Đông cho tới Canada.
Tổng thống Obama tham gia Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tháng 11/2015. Ảnh: Reuters
Mặc cảm vì tầm ảnh hưởng sa sút, phía Anh lại càng thêm nhạy cảm mỗi khi bị "người anh em" của mình chỉ trích.
Không lâu sau khi Tổng thống Obama nhận chức, thư kí báo chí của ông là Robert Gates đã gây xôn xao dư luận khi gọi Anh là "đối tác đặc biệt".
Ông khiến quan hệ của Anh và Mỹ, thay vì là tình ngoại giao hòa hảo vững chắc, lại nghe giống một chiêu thức marketing. Từ đó đến nay, sự tận tâm Obama dành cho Anh vẫn là câu hỏi mở chưa có lời giải đáp
Lời chỉ trích gần đây có vẻ đã đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, theo ông Stewart, cần lưu ý rằng, sự lạnh nhạt này không bắt nguồn từ bản thân quan hệ của hai nước, mà chỉ đơn giản từ hai lãnh đạo.
Cũng không mấy ngạc nhiên khi ông Obama chẳng hề thấy gần gũi với Thủ tướng Cameron, người có quan điểm chính trị và kinh tế khá bảo thủ.
Sau hơn bảy năm ngồi trên ghế Tổng thống, ông Obama cũng không mấy khi cảm thấy cần thiết phải xây dựng quan hệ mang tính cá nhân với các lãnh đạo nước ngoài, ngoại trừ người anh em mới của ông là Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Tuy nhiên, mối quan hệ đặc biệt này hoàn toàn có khả năng nảy nở dưới thời lãnh đạo mới, ông Stewart nhận định.
Có lẽ cũng không khó tưởng tượng cảnh Tổng thống Donald Trump "tay bắt mặt mừng" với Thị trưởng London Boris Johnson, người cũng từng xuất hiện với tư cách một ngôi sao truyền hình, đồng thời đang là ứng cử viên số một để thay thế vị trí của ông Cameron.