Máy bay mất tích: Đã xảy ra 1 vụ nổ, VN sẽ lãnh đạo điều tra?

Chí Quân |

(Soha.vn) - Vụ mất tích đột ngột của chiếc máy bay Malaysia là một trong những thảm họa hy hữu và khó giải thích nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng.

 Cập nhật thông tin, hình ảnh, video clip vụ MÁY BAY MẤT TÍCH

Thông thường, giai đoạn cất cánh và đặc biệt là căn đường băng, hạ cánh là những thời điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất trong một chuyến bay, bởi đó là những lúc tai nạn thường dễ xảy ra nhất.

Tuy nhiên, với chuyến bay MH370 của hàng không Malaysia Airlines, mọi chuyện xảy ra ngược lại. Máy bay đột ngột biến mất ở độ cao hành trình, trong điều kiện thời tiết tốt. Không hề có tín hiệu báo nguy, chưa có mảnh vỡ nào được tìm thấy (sau hơn 1 ngày) và chưa có dấu hiệu nào của việc trục trặc kỹ thuật.

Máy bay thường không bị rơi trên hành trình bay như vậy”, Paul Hayes, giám đốc hãng tư vấn an toàn hàng không Safety at Flightglobal Ascend có trụ sở tại Anh nhận định. “Đây là một trường hợp vô cùng bất thường”.

Trong lịch sử hàng không gần đây, chỉ có duy nhất một vụ tương tự: Chuyến bay số hiệu 447 của hàng không Pháp Air France gặp nạn ngoài khơi Đại Tây Dương năm 2009, trên hành trình từ Rio de Janeiro đến Paris.

Vụ việc khơi lại cuộc tranh cãi về việc liệu có nên thay thế hộp đen trên máy bay bằng các hệ thống sử dụng vệ tinh có thể truyền về các thông số theo thời gian thực. Các hệ thống như vậy đã có sẵn, nhưng chưa được sử dụng trên máy bay vì lý do chi phí và kỹ thuật.

Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo điều tra những gì đã xảy ra với chiếc máy bay mất tích của Malaysia.

Theo các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, chính phủ nước hoặc vùng lãnh thổ nơi xảy ra tai nạn sẽ có thẩm quyền xử lý xác máy bay và lãnh đạo các hoạt động điều tra. Như vậy, nhiều khả năng sẽ không có cơ quan chức năng nào vào cuộc cho đến khi xác máy bay được tìm thấy.

Trong trường hợp này, Việt Nam có khả năng là nước phải đứng ra tổ chức điều tra. Nhưng nếu máy bay rơi ở vùng biển quốc tế thì Malaysia có thể sẽ chịu trách nhiệm đó, và Mỹ cũng có thể tham gia, vì máy bay do Mỹ sản xuất.

Nước chịu trách nhiệm tổ chức điều tra có thể yêu cầu Mỹ và các nước khác tham gia sâu hơn vào các khâu.

Tuy nhiên, việc công bố thông tin và các phát hiện về vụ tai nạn sẽ nằm dưới sự kiểm soát của quốc gia lãnh đạo cuộc điều tra.

Chiếc Boeing 777 của hàng không Malaysia Airlines mất tích khoảng gần 1 giờ sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Giả thuyết mà nhiều phi công và chuyên gia hàng không kỳ cựu đưa ra là đã xảy ra một vụ nổ trên khoang.

Trước khi biến mất, máy bay đang bay ở độ cao hành trình và có thể đang ở chế độ bay tự động.

Một cựu phi công của Malaysia Airlines nhận định “Nguyên nhân có thể là một vụ nổ, sét đánh hoặc giảm áp nghiêm trọng trong khoang. Boeing 777 có thể bay an toàn sau khi bị sét đánh hoặc thậm chí sau sự cố giảm áp. Tuy nhiên, nếu là vụ nổ thì không gì cưỡng lại được. Tất cả sẽ chấm hết.”

Trong khi đó, John Goglia, một cựu thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho rằng một sự cố mất áp suất đột ngột và nghiêm trọng có thể gây ra vụ nổ giảm áp và phá vỡ máy bay. Sự cố giảm áp như vậy có thể xảy ra do ăn mòn hoặc hiện tượng mỏi kim loại của vỏ máy bay.

Một tai nạn tương tự đã xảy ra với chuyến bay xấu số của Air France. Các cuộc điều tra đã không thể đưa ra kết luận cho đến khi hộp đen ghi dữ liệu của chuyến bay được tìm thấy dưới đáy biển sau đó khoảng 2 năm.

Những kinh nghiệm rút ra từ vụ tai nạn này có thể giúp ích cho việc điều tra vụ việc của máy bay Malaysia.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại