Hãng tin CNN dẫn lời chuyên gia hàng không Mỹ Mary Schiavo cho biết theo thông báo của Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignasius Jonan, chiếc Airbus A320-200 của AirAsia đã tăng độ cao với tốc độ gấp hai lần khả năng của loại máy bay này, một điều không thể.
Trong cuộc họp báo hôm qua ở Jakarta, ông Jonan thông báo dữ liệu rađa cho thấy trước khi rơi xuống biển Java, chiếc máy bay chở 162 người tăng độ cao với tốc độ lên đến 1.800 m/phút rồi khựng lại trên bầu trời.
"Không nhấn ga nhưng xe tăng tốc"
Ông Jonan khẳng định đến máy bay chiến đấu cũng hiếm khi tăng độ cao với vận tốc chóng mặt này.
Trên thực tế, một chiếc máy bay chiến đấu như F/A-18 Super Hornet của quân đội Mỹ có thể bay cao lên với tốc độ 9.100 m/phút, nhưng thông thường máy bay thương mại chỉ có thể tăng độ cao với tốc độ 300 - 600m/phút.
Hôm 21-1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) thông báo chính quyền Indonesia sẽ không công bố công khai bản báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn AirAsia QZ8501.
Dự kiến Jakarta sẽ trình báo cáo sơ bộ này cho Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) vào đầu tuần tới, khoảng 30 ngày sau khi tai nạn xảy ra.
“Chúng tôi sẽ không công bố báo cáo để công chúng biết. Chỉ chính quyền các quốc gia có liên quan đến vụ tai nạn mới có thể đọc báo cáo” - ông Tatang Kurniadi, chủ tịch NTSC, tuyên bố.
Chuyên gia Schiavo nói chiếc Airbus A320-200 có thể làm được điều đó với tốc độ tối đa 900m/phút. Điều đó có nghĩa là nó không thể tự tăng độ cao theo điều khiển của phi công.
“Chắc chắn là gió cực lớn đã thổi tại vị trí đó trong thời điểm đó” - chuyên gia Schiavo nhấn mạnh.
Bà nhận định nếu chiếc máy bay có thể tự tăng độ cao với vận tốc 1.800m/phút thì hàng loạt tín hiệu báo động sẽ kêu vang trong buồng lái.
Nhưng nếu máy bay bị một luồng gió cực mạnh đẩy lên cao, các phi công lúc đầu sẽ không hiểu tại sao nó tăng độ cao nhanh đến vậy.
Tình huống này tương tự một người tài xế không nhấn chân ga nhưng xe vẫn tăng tốc vọt đi.
“Lúc đó các phi công vẫn đang điều khiển máy bay nhưng không nhận ra được điều gì đang xảy ra bởi hệ thống vi tính sẽ thông báo dữ liệu một cách hỗn loạn” - chuyên gia Schiavo cho biết.
"Tất cả phi công đều phải tránh bão sấm sét"
Báo USA Today cũng dẫn lời giáo sư khoa học hàng không Les Westbrooks thuộc ĐH Hàng không Embry-Riddle (Mỹ) đánh giá việc máy bay AirAsia tăng độ cao bất thường cho thấy những luồng gió cực mạnh đã đẩy máy bay lên cao.
Ông Westbrooks cho biết các cơn bão ở Đông Nam Á thường phát triển ở tầm cao lớn, nên thông thường các phi công không chọn cách bay qua đầu cơn bão bởi máy bay thương mại không được thiết kế để làm điều đó.
Trong trường hợp này, các phi công thường chọn cách thông báo tình trạng khẩn cấp cho đài kiểm soát không lưu và chọn đi đường vòng.
“Nếu máy bay lao vào cơn bão thì việc bị gió lớn đẩy lên cao là điều thường xảy ra. Hành khách sẽ cảm nhận sự rung lắc cực mạnh và máy bay sẽ bị khựng lại” - ông Westbrooks mô tả.
Giáo sư hàng không Paul Kelly thuộc ĐH San Jose khẳng định khi di chuyển trong một cơn bão sấm sét, máy bay sẽ bị gió mạnh đẩy lên và kéo xuống một cách dữ dội.
“Đó là lý do tại sao tất cả phi công đều phải tránh bão sấm sét” - ông Kelly nhấn mạnh.
Indonesia đưa ra nhiều quy định hàng không mới
Trong cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Giao thông Indonesia Jonan thông báo sau vụ tai nạn AirAsia QZ8501, chính quyền Jakarta đã áp dụng nhiều quy định an toàn hàng không mới, bao gồm việc kiểm tra sức khỏe nhân viên phi hành đoàn và nhân viên đài quan sát không lưu một cách hết sức nghiêm ngặt.
Một số hãng hàng không Indonesia thường bán vé trước khi có được giấy phép bay một tuyến đường bay cụ thể.
Bộ trưởng Jonan cho biết giờ chính quyền Indonesia buộc các hãng hàng không phải xin giấy phép bay từ bốn tháng trước chuyến bay. Các hãng hàng không sẽ không được bán vé chuyến bay trước thời điểm có giấy phép.
Thủ tục xin giấy phép bay và vận tải hàng không sẽ được đưa lên mạng Internet từ tháng tới.
Bộ Giao thông Indonesia cũng đề xuất tăng lương cho các nhân viên bảo dưỡng máy bay, quan chức kiểm tra an toàn bay… để khuyến khích họ tăng năng suất lao động, đảm bảo tối đa sự an toàn hàng không.