Lở đất ở Trung Quốc: Nguyên nhân do con người

Hải Võ |

Vụ lở đất ở Trung Quốc trưa 20/12 đã được nhóm chuyên gia thuộc Bộ tài nguyên đất đai nước này mở cuộc điều tra nhanh.

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy phần đất bị lở là đất bồi đắp nhân tạo, trong khi phần đất núi gốc không hề bị dịch chuyển.

Cũng theo báo cáo, địa điểm mà đất đắp nhân tạo bị lở xuống thuộc về một khu tập kết phù sa, đất loại, trong đó chủ yếu là đất thừa và rác kiến trúc.

Do lượng tích lũy quá nhiều, độ dốc lớn dẫn đến phần đất này mất ổn định và bị lở, làm nhiều tòa nhà cao tầng bị sập.

Bộ tài nguyên đất đai Trung Quốc đã nâng mức báo động tai nạn địa chất lên cấp 3.

Vào khoảng 12h trưa ngày 20/12, một vụ lở đất kinh hoàng đã xảy ra tại khu công nghiệp Liễu Hề thuộc địa bàn quận Quang Minh, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, khiến hàng chục tòa nhà bị đổ sập.

Thống kê của nhà chức trách tính đến 6h00 sáng nay (21/12) cho thấy đã có 91 người mất tích, 33 tòa nhà bị lở, sập ở các mức độ khác nhau.


Thông báo của Bộ tài nguyên đất đai Trung Quốc trên Weibo vào tối 20/12.

Thông báo của Bộ tài nguyên đất đai Trung Quốc trên Weibo vào tối 20/12.

Đất bồi đắp trong gần 2 năm cao hơn tòa nhà 20 tầng

Các quan chức Cục quản lý đô thị quận Quang Minh, Thâm Quyến xác nhận với tờ Thanh niên Trung Quốc rằng địa điểm phát sinh vụ lở đất là một khu tập kết tạm thời đất loại. Đây là dự án đã được phê duyệt hợp pháp.

"Đất loại" là từ dùng để chỉ vật liệu dư thừa, thải loại từ quá trình thiết kế, thi công, thay đổi, mở rộng hoặc phá dỡ các công trình kiến trúc, đường sá hoặc hoạt động xây, sửa kiến trúc của cư dân.

Theo trang Wangyi (Trung Quốc), các tài liệu công khai cho thấy khu tập kết đất loại nêu trên được Cục quản lý đô thị địa phương phê duyệt tháng 2/2014 và hết hạn sử dụng ngày 21/2/2015.

Trong năm 2014, tờ Thâm Quyến Buổi tối từng đưa tin, thành phố này sẽ xây dựng 12 khu tập kết đất loại và phế liệu kiến trúc trên toàn địa bàn, trong đó quận Quang Minh phụ trách 3 khu tập kết.

Bên cạnh đó, chính quyền các quận của thành phố Thâm Quyến còn được phép lựa chọn địa điểm để tăng thêm các khu tập kết đất loại căn cứ vào tình hình thực tế từng khu vực.

Sau khi khu tập kết tạm thời được xây dựng, khu vực thôn Hồng Ao (địa điểm xảy ra vụ lở đất ở Trung Quốc) vốn từ một khu khai thác đá bỏ hoang bắt đầu tiếp nhận các chuyến xe chở đất loại không ngừng đổ về.

Một cư dân sống gần khu công nghiệp Liễu Hề nói với báo Thanh niên Trung Quốc: "Đất loại và rác thải từ các công trình xây dựng ở quận Quang Minh mới đều đổ về đây. Thậm chí có người chuyên trách thu phí từ các xe đổ đất với giá 200NDT/xe."


Hình ảnh từ trên cao cho thấy đất lở xuống xô vào các tòa nhà cao tầng.

Hình ảnh từ trên cao cho thấy đất lở xuống xô vào các tòa nhà cao tầng.

Người dân nhiều lần khiếu nại

Theo Wangyi, nhiều cư dân thôn Hồng Ao cho biết rất nhiều trường hợp xe tải chở đất loại tới đổ ở khu tập kết này hoạt động suốt đêm.

Cư dân họ Tôn biết: "Đêm trước khi xảy ra vụ sạt lở cũng có rất nhiều xe đã tới đổ đất".

Các xe chở đất loại cũng bị người dân địa phương chỉ trích là hoạt động hết sức ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống và gây lo ngại. Không chỉ vậy, những xe này cũng bị tố thường xuyên chạy quá tốc độ và chở quá tải.

Có cư dân cho biết từng nhiều lần khiếu nại hoạt động của xe tải chở đất nhưng không thu được kết quả gì.

Ông Tôn nói: "Năm nay hoạt động kinh doanh của công xưởng không được tốt nên công nhân ít đi nhiều. Vài năm trước công xưởng ở đây có tới 10.000 nhân công, nhưng năm nay không tới 2.000 người."

Bất chấp điều này, lượng xe tải đổ đất loại vẫn gia tăng một cách rõ rệt. Ông Tôn khẳng định số lượng tài xế xe tải đến ăn ở nhà hàng của mình đã nhiều lên trong vài tháng qua.

Hoạt động đổ đất tăng nhanh ở địa phương này khiến "núi đất đắp" cũng nhanh chóng leo cao.

"Chỉ trong 2 năm, đất đổ ở đây đã cao hơn tòa nhà 20 tầng. 'Đỉnh núi' cũng có diện tích rất rộng rãi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại