Liên minh "nhị cường", "tam cường" và chuỗi kim cương chặn TQ

Chí Quân (TH) |

(Soha.vn) - Úc - Ấn - Mỹ - Nhật nên hợp thành một “chuỗi kim cương” bảo vệ tài sản chung của nhân loại, bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương...

“Nhị cường” Ấn-Nhật

Không phải là một liên minh truyền thống và còn tồn tại rất nhiều khác biệt, song liên minh của hai nền kinh tế lớn trong khu vực Châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ đang nổi lên như một đối trọng đáng kể với Trung Quốc.

Hai nước này đều thích phục hồi lại niềm kiêu hãnh dân tộc. Cả hai nước này cực kỳ ghét sự phô trương thế lực của Trung Quốc.

Chuyến công du dự kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nhật Bản có thể sẽ cho phép Ấn Độ ký kết một hiệp ước đầu tư với Nhật, điều mà Ấn Độ đang rất cần để thúc đẩy kinh tế. Ngược lại, từ phía Nhật Bản, dân số đang già đi của đất nước Mặt trời mọc có thể được bù đắp bằng một dân số trẻ năng động của Ấn Độ, những tài năng trong ngành công nghiệp Nhật sẽ có dịp phát triển nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú vẫn chưa được khai thác ở Ấn Độ.

Về mặt cá nhân, hai ông Abe và Modi tuy có hoàn cảnh xuất thân rất khác nhau (Modi sinh ra trong một gia đình bình thường còn ông Abe lại là cháu trai của hai cựu Thủ tướng Nhật Bản và con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao), nhưng lại có khá nhiều quan điểm giống nhau. Thậm chí, một số nhà phân tích chính trị còn gọi ông Modi và “Abe của Ấn Độ”.

Cả hai đều đi theo chủ nghĩa dân tộc, phát triển kinh tế theo định hướng thị trường và thắt chặt quan hệ với các quốc gia tại châu Á, nhất là những nước có chung chí hướng để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực.

“Tam cường” Ấn-Nhật-Úc

Nếu như quan hệ Nhật - Ấn đang khởi sắc từ lĩnh vực kinh tế, thì quan hệ Nhật - Úc lại ghi dấu trong lĩnh vực quốc phòng. Nhật - Úc gần đây đã đạt được những thỏa thuận vô cùng ấn tượng trong trao đổi công nghệ tàu ngầm quân sự. Thủ tướng Úc Tony Abbott ủng hộ chính sách “tự vệ tập thể của Nhật”.

Vào giữa thập niên đầu của thế kỷ 21, ý niệm xây dựng một vòng cung từ Ấn Độ ngang Nhật Bản kéo dài xuống tận Nam Thái Bình Dương với Úc đã từng được ba vị Thủ tướng lúc đó là Junichiro Koizumi của Nhật, John Howard của Úc và Atal Vajpayee của Ấn Độ phác họa và được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W.Bush ủng hộ.

Tuy nhiên, ý niệm này đã không được tiến hành một phần vì nhiều lý do, trong đó có việc tại Washington, đảng Dân chủ lên thay đảng Cộng hòa.

Mười năm sau, không hẹn mà nên, cả ba quốc gia Ấn - Nhật - Úc đều do cánh hữu lãnh đạo. Và với chất xúc tác là các hành vi leo thang căng thẳng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc, một liên minh “tam cường” đang định hình. Tháng 7 năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu An ninh mới của Mỹ, do cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell thành lập, và cũng là nơi cung cấp chuyên gia chiến lược cho Nhà Trắng, quan tâm đặc biệt đến khả năng xây dựng một liên minh hải quân Nhật-Úc- Ấn.

Chuỗi kim cương chặn Trung Quốc

Tiếp nối tư tưởng từ người tiền nhiệm Junichiro Koizumi, năm 2007, trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên, ông Shinzo Abe đã đưa ra khái niệm “An ninh dân chủ kim cương”. Thực chất nó là chiến lược địa chính trị mới “hướng nam”, liên kết tất cả những quốc gia từ Ấn Độ kéo dài xuống Đông Nam Á và đến tận Úc, có cùng một mối quan ngại chung là bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc đe dọa.

Khi trình bày khái niệm này trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Abe nói về sự giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình dương mà ông cho rằng có nhiều điểm chung về hòa bình, ổn định, tự do lưu thông hàng hải. Nhưng ông cũng lập luận là khi Trung Quốc coi 85% Biển Đông là “ao nhà” thì điều này gây tai hại cho giao thương hàng hải.

Cũng theo ông Abe, 4 nước Úc - Ấn - Mỹ - Nhật nên hợp thành một “chuỗi kim cương” bảo vệ tài sản chung của nhân loại, bảo vệ tự do giao thông hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…

Thủ tướng Nhật đã tích cực vận động cho việc hình thành một “chuỗi kim cương” như vậy. Chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi lên cầm quyền, các thành viên chủ chốt trong chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành một loạt chuyến thăm tới Mỹ và nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Úc… Nên nhớ là trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai này, ông Abe chưa từng thăm Trung Quốc.

Trong và sau các chuyến thăm này, nhiều hoạt động hợp tác đã giữa Tokyo và các chính phủ nói trên đã được thúc đẩy. Nhật Bản tăng cường quan hệ quân sự với Washington, hào phóng sử dụng ODA để trang bị cho lực lượng tuần duyên Philippines nhiều tàu tuần tra, xem xét khả năng bán tàu ngầm tối tân Soryu cho Úc, xuất khẩu sang Ấn Độ loại thủy phi cơ cứu hộ hiện đại US-2...

Trong bối cảnh khung hợp tác chiến lược đã được thực hiện từ lâu ở cấp tam cường Mỹ-Nhật-Úc và ở cấp song phương với các hiệp ước an ninh chung giữa Mỹ- Nhật hay Mỹ-Úc, thì việc hình thành một liên minh “tứ cường” Mỹ - Nhật - Úc - Ấn, hay “chuỗi kim cương” với sự tham gia của một số quốc gia khác trong khu vực là hoàn toàn khả thi.

Xem thêm Video: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tập trận chiếm đảo, tháng 5/2014.

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại