Lệnh cấm vận Triều Tiên của Mỹ khôn ngoan đánh thẳng vào TQ?

Hải Võ |

Các học giả người Mỹ tin rằng Trung Quốc đang dần "không chịu nổi" Triều Tiên và sẽ có những điều chỉnh về chiến lược ở bán đảo liên Triều.

Học giả Mỹ: Trung Quốc đã "biết sai"

Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 19/2 cho biết, giới quan sát Mỹ nhận định, dù Trung Quốc tỏ ra bất hợp tác với kêu gọi của Mỹ về việc trừng phạt Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh cũng rất bất mãn với nước này. Tuy vậy, tình hình khu vực không cho phép Trung Quốc dồn ép Triều Tiên.

Ông Kurt Campbell, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói tại Hội thảo chính sách ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức, rằng "Trung Quốc rất thất vọng với Triều Tiên, và thậm chí không thèm giấu giếm điều đó".

Ông cho biết: "Tôi tin rằng Bắc Kinh lúc này đã thừa nhận rằng, họ không thể làm việc chung với những người đó (Triều Tiên). Nhưng điều kiện hiện tại cũng không tiện để Trung Quốc gia tăng áp lực hoặc thay đổi chiến lược vốn có với Bình Nhưỡng."

Theo ông Campbell, trong thời gian tới Trung Quốc có thể nỗ lực về vấn đề hạt nhân Triều Tiên theo ba hướng.

Thứ nhất, tìm ra mối liên hệ giữa việc hợp tác về vấn đề Triều Tiên với mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung ở các lĩnh vực khác. Điều này giúp Mỹ thấy rằng nếu gây quá nhiều sức ép trong vấn đề bán đảo, Bắc Kinh sẽ khó duy trì các mối hợp tác khác.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ cố gắng "đối đầu" ở mức độ lớn nhất cho phép với Bình Nhưỡng, để gửi thông điệp "Bắc Kinh có đủ khả năng dồn ép Triều Tiên".

Thứ ba, cải thiện quan hệ song phương với Hàn Quốc.

Ông Kurt Campbell đánh giá, Trung Quốc đã nhìn ra hậu quả của việc "chọn nhầm phe", do đó họ sẽ đẩy mạnh quan hệ với Seoul.

"Bắc Kinh hy vọng trong khoảng 5 năm tới có thể chứng minh quan hệ Trung-Hàn đã cải thiện, đủ để khiến cho nếu Triều Tiên bất ngờ thay đổi chiến lược ở bán đảo, thì nội dung thảo luận chủ yếu không còn là quan hệ Mỹ-Hàn hay Mỹ-Nhật-Hàn, mà là Trung-Hàn," ông nói.


4 máy bay tàng hình F-22 của Mỹ xuất hiện trên bầu trời bán đảo Triều Tiên hôm 17/2. (Ảnh: Huanqiu)

4 máy bay tàng hình F-22 của Mỹ xuất hiện trên bầu trời bán đảo Triều Tiên hôm 17/2. (Ảnh: Huanqiu)

Hoàn Cầu: Hàn Quốc "đắc tội" Trung Quốc

Phó giám đốc Sở nghiên cứu vấn đề Nhật Bản và châu Á Michael Green cũng cho rằng, dù không kỳ vọng Bắc Kinh thay đổi lập trường về Triều Tiên trong một sớm một chiều, nhưng Trung Quốc thực sự đang điều chỉnh chiến lược.

Ông nhấn mạnh chiến lược của Trung Quốc thay đổi là bởi chiến lược của Mỹ cũng thay đổi.

"Theo lý giải của tôi, chỉ bởi chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye chấp nhận Mỹ bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này, giúp quan hệ Mỹ-Hàn trở nên mật thiết hơn trong tương lai lâu dài, nên họ (Trung Quốc) mới phải hành động.

Hàn Quốc chính là bên có khả năng khiến Trung Quốc phải thay đổi về mặt chiến lược," ông Green bình luận.

Bộ ngoại giao Hàn Quốc hôm 18/2 cho biết, Tổng thống Park Geun Hye đã tái khẳng định tính xác thực của các thông tin trước đó khi tuyên bố: "Đối diện với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, việc bố trí hệ thống THAAD là nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia và an ninh của Hàn Quốc."

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) sáng nay, 20/2, chỉ trích tuyên bố của bà Park "không có gì khó hiểu nhưng không hề lý trí".

Theo tờ này, sức mạnh của THAAD "cho dù có lớn hơn nữa cũng không phải là 'khắc tinh' của hàng vạn khẩu pháo tầm xa mà Triều Tiên sở hữu" và không giúp ích gì cho an ninh Hàn Quốc.

"Hậu quả của việc bố trí THAAD chỉ có thể là: Mỹ hưởng lợi, Trung Quốc chịu thiệt. (Hàn Quốc) lấy lòng được Mỹ, đắc tội với Trung Quốc," tờ này viết.

Hoàn Cầu bình luận, Hàn Quốc và Trung Quốc là hai nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi vấn đề hạt nhân Triều Tiên và tình trạng bất ổn trên bán đảo, đồng thời kêu gọi "cùng là người bị hại, hai nước nên bắt tay xử lý cục diện chứ không nên đối đầu nhau".

"Một số hành động của Hàn Quốc khiến người Trung Quốc có cảm giác 'bị phản bội'," Hoàn Cầu gay gắt.


Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Triều Tiên được cho là nhằm vào Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AP)

Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Triều Tiên được cho là nhằm vào Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AP)

Trung Quốc phản ứng gay gắt vì nguy cơ "vạ lây" từ lệnh cấm vận của Mỹ

Ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thông qua Lệnh tăng cường chính sách cấm vận Triều Tiên, nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng vì vụ thử hạt nhân hôm 6/1 và phóng tên lửa tầm xa ngày 7/2.

Thành viên Nhóm cố vấn thương mại quốc phòng Mỹ Lawrence Ward bình luận, vòng cấm vận này được đặt ra như một "biện pháp mạnh" nhằm ép chính phủ Trung Quốc từ bỏ các giao dịch thương mại với Triều Tiên.

"Tuy nhiên, khó có thể hình dung Bắc Kinh sẽ để yên và ngoan ngoãn nghe theo những sắp đặt này từ phía Mỹ," ông Ward nói.

Nhà phân tích Kent Boydston thuộc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson nói với Sputnik News (Nga), quan điểm kêu gọi các bên kiềm chế mà Trung Quốc nêu ra suốt thời gian qua sẽ phải thay đổi vì lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến nước này.

"Trong trường hợp này, Trung Quốc có lý do để lo ngại rằng các yêu cầu trong luật trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ra rắc rối và tiêu cực cho chính sách thương mại của Trung Quốc," ông Boydston cho hay.

Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc ngày 19/2 chỉ ra, lệnh cấm vận của Mỹ không chỉ giới hạn ở Triều Tiên mà còn mở rộng tới các cá nhân, tập thể có giao dịch trực tiếp hoặc hỗ trợ Triều Tiên thực hiện các giao dịch.

Nói cách khác, các doanh nghiệp Trung Quốc - vốn là nhóm có trao đổi thương mại quy mô lớn nhất với Triều Tiên - sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Động thái này của Mỹ có thể tạo ra những xích mích ngoại giao trong thời gian tới giữa hai nước.

Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Phúc Đán, Trung Quốc Tống Quốc Hữu nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 19: "Phải xem danh sách cấm vận của Mỹ bao gồm các sản phẩm, ngành hàng nào.

Nếu có liên quan tới nhiều mặt hàng mà Trung-Triều trao đổi thương mại thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc. Hiện vẫn chưa có danh sách cụ thể này nên vẫn cần quan sát thêm."

Theo ông Tống, trong mọi trường hợp Bắc Kinh sẽ hành động dựa trên tiền đề là không chấp nhận các biện pháp trừng phạt của Washington "đụng chạm" đến lợi ích của mình.

"Quan hệ thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Triều Tiên không thể bị tổn hại bởi lệnh trừng phạt của Mỹ," ông này nói.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 19 cũng phản ứng về vấn đề này: "Phía Trung Quốc cho rằng, bất cứ vấn đề nóng nào đều không thể giải quyết căn bản chỉ bằng cách gây áp lực hay cấm vận.

Bất kỳ hành động nào tổn hại lợi ích của bên thứ ba đều không giúp ích cho việc giải quyết vấn đề mà chỉ làm tình hình thêm phức tạp. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan hành động thận trọng, không tạo thêm rắc rối."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại