Ký ức đau buồn
Đầu đội mũ nồi, ngực đeo huân chương, tay chống batoong, ông lão Samuel Willenberg dẫn một nhóm người đi qua khu rừng thông, thỉnh thoảng dừng lại và chỉ: “Sân ga ở đây. Đoàn tàu đỗ ở đây”. 70 năm trước, ngày 2.8.1943, Samuel Willenberg đã cùng các tù nhân trong trại tập trung Treblinka, Ba Lan nổi loạn, đốt trại và chạy trốn.
Samuel Willenberg là người cuối cùng còn sống trong số gần 70 tù nhân Do Thái trốn thoát trong cuộc bạo loạn đó. Chẳng còn dấu vết gì của trại tàn sát Treblinka ngoài đống tro tàn của khoảng 874.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái bị Đức quốc xã giết chết trong các phòng hơi ngạt.
Tháng 10.1942, cậu thanh niên Samuel Willenberg 19 tuổi cùng 6.000 người Do Thái khác đi tàu hỏa từ khu Do Thái Opatow tới Treblinka ở vùng đất Ba Lan bị Đức chiếm đóng. Họ được bảo rằng đang ở một trại trung chuyển và phải tắm rửa trước khi đi tiếp. Thực tế, những phòng tắm đang chờ đón họ là phòng hơi ngạt.
Trong khi chờ đợi, Samuel Willenberg - con trai của một họa sĩ - gặp một người quen. “Người đó cũng nhận ra tôi và bảo “hãy nói rằng cậu là thợ nề”. Chỉ vài phút sau một tên lính SS đi tới và hỏi to “Ai là thợ nề?”. Tôi bước ra khỏi hàng và những vết sơn dính trên chiếc khăn của bố mà tôi đang quàng khiến hắn tin. Tên lính SS đẩy tôi tới khu trại giam. Những người còn lại trên 3 đoàn tàu 20 toa đều bị vào dồn phòng hơi ngạt” - ông Willenberg kể.
Ở Treblinka có hai trại: Trại lao động số 1 là nơi làm việc của tù nhân, chủ yếu là người Ba Lan, và trại số 2 là trại tàn sát người Do Thái, với các phòng hơi ngạt. Khu trại số 2 này được giữ bí mật tuyệt đối, không một ai đã vào trại mà còn có thể sống sót trở về. Lính gác được phép bắn chết bất cứ người nào đi quanh trại trong vòng 1km. Các nạn nhân Do Thái được chở tới đây trên các đoàn tàu hỏa.
Suốt 13 tháng, kể từ ngày trại Treblinka 2 được thành lập tháng 5.1942 tới ngày đóng cửa, các đoàn tàu hỏa đều đặn tới Treblinka, mỗi ngày từ 1-3 chuyến, mỗi đoàn tàu khoảng 60 toa, trên mỗi toa có viết các con số bằng phấn 150/180/200 - là số lượng người trong toa. Tổng cộng, đã có khoảng 876.000 người bị giết tại Treblinka, gồm 874.000 người Do Thái từ Ba Lan, Châu Âu và 2.000 người Digan.
Willenberg là 1 trong 750 công nhân ở Treblinka. Công việc của ông là phân loại đồ vật còn lại của những người bị giết trong phòng hơi ngạt. “Một lần xếp đồ, tôi thấy cái áo cũ của em gái” – ông nghẹn giọng. “Mẹ tôi đã nối dài ống tay bằng nhung xanh lá cây. Nhờ thế tôi nhận ra nó. Hôm nay tôi vẫn nhớ rõ cái áo ấy. Lúc đó tôi hiểu em gái mình đã đến Treblinka. Tôi nhìn trân trân cái áo, nhưng không khóc. Nước mắt tôi đã khô cạn, chỉ còn lòng hận thù” – ông lão lau hai hàng nước mắt lã chã.
Thoát khỏi địa ngục
Các chuyến tàu đã không còn tới Treblinka từ tháng 4.1943. Trước đó 1 tháng chỉ huy SS Heinrich Himmler tới thị sát Treblinka và sau đó xác các nạn nhân bị đào lên để thiêu. Đức quốc xã muốn che giấu những bằng chứng về tội ác diệt chủng của chúng. Việc thiêu xác được tiến hành vào mùa hè và các tù nhân hiểu rằng sau đó họ sẽ bị giết.
Một nhóm tù nhân đã lên kế hoạch đốt trại. Vào ngày 2.8, với một chiếc chìa khóa giả, họ mở kho vũ khí của SS, phân phát súng và phóng hỏa. Trong đám hỗn loạn của khói, tiếng súng và tiếng nổ, Samuel Willenberg bắt đầu chạy. Bên cạnh Willenberg là người bạn – một mục sư Tin lành thường được gọi là thầy tu. “Tất cả đều cố gắng trốn thoát. Tôi có một khẩu súng máy. Thầy tu chạy bên cạnh tôi và trúng đạn vào chân, ngã xuống. Ông ấy xin tôi hãy bắn chết ông ấy. Tôi bảo ông “hãy nhìn lại trại tàn sát nơi vợ con ông bị giết” và bắn vào đầu ông ấy”.
Willenberg tiếp tục chạy tới hàng rào dây thép gai giữa những làn đạn bắn ra từ các vọng gác. “Tôi lao ra, giẫm cả lên xác những người bạn. Rồi tôi trúng đạn. Chân tôi chảy máu và sưng lên. Nhưng tôi vượt qua tất cả các vật cản. Tôi chạy tới cánh rừng, qua đường ray tàu hỏa, một con đường trải nhựa, tiếp tục là rừng và tôi đã thoát. Tôi bắt đầu la hét “địa ngục đã bị đốt cháy” – ông nhớ lại.
Chỉ có không đến 70 tù nhân trốn thoát và sống sót. Sau cuộc nổi loạn, Đức quốc xã đã xóa sổ trại Treblinka, biến nó thành một nông trại và đưa một gia đình Ukraina tới đó sinh sống. Samuel Willenberg sau đó lên tàu tới Varsava đoàn tụ với gia đình. “Tôi mở cửa. Bạn không thể tưởng tượng nổi thế nào là chạy trốn khỏi địa ngục và trở về gặp lại bố mẹ. Mẹ tôi hỏi “con đã ở đâu?”. Và một trong những câu đầu tiên cả hai bố mẹ đều hỏi là “Con có gặp Itta và Tamara không?”. Tôi không trả lời. Mẹ tôi mất ở Israel. Tôi chưa bao giờ nói cho mẹ biết tôi đã thấy áo của em gái. Tôi không thể”.
Ông Willenberg gia nhập quân đội Ba Lan chống lại quân Đức trong cuộc nổi dậy Vacsava tháng 8.1944. Sau chiến tranh ông kết hôn với bà Krystyna – người đã được cứu khỏi khu Do Thái Varsava. Họ tới Israel năm 1950 nhưng ông thường xuyên trở lại Treblinka làm hướng dẫn du lịch, kể lại cho các du khách trẻ về những ngày đen tối ở lò sát sinh kinh hãi một thời.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm vào ngày 2.8 năm nay, Samuel Willenberg đã thực hiện được ước mơ từ lâu nay của mình. Ông đã đặt viên đá nền móng cho một trung tâm dạy học Treblinka do chính cháu gái mình thiết kế.
Phần lớn binh sĩ của Treblinka chưa bao giờ bị buộc tội vì những tội ác bị che giấu. Chỉ huy Treblinka Franz Stangl bị tù chung thân vào tháng 10.1970 trong phiên tòa ở Dusseldorf. Hắn chết trong tù năm 1971. 6 năm trước, 10 bị cáo trong đó có phó trại trưởng Kurt Franz ra tòa ở Dusseldorf. 4 kẻ bị tù chung thân, 5 kẻ bị tù từ 3-12 năm và 1 kẻ được tha bổng.