"Kỳ thi" siêu bão: Obama đỗ hạng ưu, Aquino ngấp nghé trượt

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Thảm họa là bài thi khó với các nhà lãnh đạo. Trong khi bão Sandy là cú hích giúp Obama tái cử, thì ở Philippines, Haiyan lại khiến chiếc ghế của ông Aquino lung lay.

Cú hích mang tên Sandy

Đúng một tuần trước ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (6/11/2012), siêu bão Sandy, sau khi càn quét qua Cuba, Haiti, Jamaica... đã đổ bộ vào Bờ Đông nước Mỹ (29/10). Với sức gió trên 150 km/h, Sandy được xem là cơn bão có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ chỉ sau bão Katrina, cướp đi sinh mạng của ít nhất 182 người, thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD.

Ở thời điểm này, cuộc chạy đua vào chiếc ghế ở Nhà Trắng đang diễn ra hết sức gay cấn giữa hai ứng cử viên nặng ký, đại diện cho đảng Dân Chủ là đương kim Tổng thống Barack Obama và đại diện cho đảng Cộng Hòa là ứng viên Mitt Romney. Các cuộc thăm dò dư luận ngay trước siêu bão Sandy cho thấy Romney có phần nhỉnh hơn Obama.

Một ngày trước khi siêu bão Sandy đổ bộ vào nước Mỹ, theo khảo sát của Real Clear Politics, ông Romney vẫn đang dẫn điểm trước ông Obama với tỷ lệ lần lượt là 47,7% và 46,8%. Còn kết quả thăm dò của CNN/ORC cho thấy tỷ lệ ủng hộ 2 ứng cử viên ngang bằng 49-49. Đó là số liệu cho thấy ông Obama chưa thể lật ngược thế cờ và cuộc đua trên toàn nước Mỹ vẫn diễn ra hết sức gay cấn.

Tổng thống Obama cùng các quan chức Mỹ họp bàn biện pháp đối phó với siêu bão Sandy tại Trung tâm điều phối ứng phó Quốc gia ở Washington ngày 28/10/2012
Tổng thống Obama cùng các quan chức Mỹ họp bàn biện pháp đối phó với siêu bão Sandy tại Trung tâm điều phối ứng phó Quốc gia ở Washington ngày 28/10/2012

Thế nhưng, gió đã đổi chiều khi siêu bão Sandy tràn qua nước Mỹ. Ông Obama đã chứng tỏ được sự khác biệt giữa một ứng cử viên Tổng thống và một Tổng thống đích thực qua việc thể hiện xuất sắc vai trò “tổng tư lệnh” đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.

Ông liên tục có mặt tại Phòng tình huống (Situation Room), họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão và khắc phục hậu quả. Không màu mè, hoa mỹ bằng các diễn văn lấy nước mắt cử tri, thay vào đó, Tổng thống đã đưa ra những quyết sách hết sức thực tế.

Sau bão Sandy, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, 67% cử tri đăng ký đi bầu ủng hộ cách xử lý của ông Obama. Tỷ lệ này cũng khẳng định kết quả thăm dò của Washington Post/ABC News thực hiện vài ngày sau bão, với hơn 3/4 người Mỹ cho rằng phản ứng của ông Obama với siêu bão Sandy là “tốt” hoặc “tuyệt vời”.

Những con số trên đã rất quý giá với ông Obama, nhưng việc ông nhận được sự ủng hộ của các nhân vật chủ chốt lại càng đáng quý hơn, có thể xem đó là những nhân tố quan trọng giúp Obama đảo ngược thế cờ so với Mitt Romney.

Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, đảng viên Cộng Hòa, một đồng minh chủ chốt của Mitt Romney, là người từng nhiều lần thẳng thừng chỉ trích ông Obama, nhưng sau khi chứng kiến những việc làm của đương kim Tổng thống Mỹ đã không tiếc lời ca ngợi.

“Tổng thống thật tuyệt vời. Tôi đã nói chuyện với ông ấy 3 lần ngày hôm qua. Ông ấy gọi cho tôi lần cuối vào lúc nửa đên để hỏi xem tôi có cần trợ giúp gì không”.

Sau Chris Christie, ông Obama tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của một chính khách có tầm ảnh hưởng rất lớn nữa là thị trưởng New York Michael Bloomberg. Ngày 2/11, Bloomberg đã chính thức lên tiếng ủng hộ Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng “vì bão Sandy”.

Tổng thống Mỹ Obama khi đó đã đảm đương trọng trách người đứng đầu quốc gia một cách không thể tốt hơn. Đó chính là cú hích vào phút chót giúp ông Obama ghi điểm trước ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney trên bước đường tiến vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2.

Bài test khắc nghiệt cho Tổng thống Philippines

Trái ngược với hình ảnh năng nổ, quyết đoán của “tổng tư lệnh” Obama khi ứng phó với siêu bão Sandy, Tổng thống Philippines Benigno Aquino lại bị cả chính giới và truyền thông trong nước và quốc tế chỉ trích vì những phản ứng yếu kém, thiếu đồng bộ với thảm họa Haiyan vừa qua.

Trước và ngay sau siêu bão Haiyan, ông Aquino chỉ xuất hiện rất “nhạt nhòa” trên truyền hình, kể cả lần ở thành phố Tacloban với một nhóm nhỏ quan chức địa phương và một lần khác tại Dinh tổng thống Malacanang khi thông báo thảm họa quốc gia. Còn lại rất hiếm khi người ta thấy ông xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khác, cả ở Manila và những khu vực bị Haiyan tàn phá nặng nề nhất.

Tổng thống Aquino đang phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận và công chúng Philippines do sự chậm trễ trong việc đối phó với siêu bão Haiyan
Tổng thống Aquino đang phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận và công chúng Philippines do sự chậm trễ trong việc đối phó với siêu bão Haiyan

“Đáng ra ông ấy phải thấu hiểu tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này chứ”, Ramon Casiple, Giám đốc điều hành Viện Cải cách chính trị và Bầu cử ở Manila nhận xét. “Nếu không có gì biến chuyển trong thời gian tới và công việc tái thiết trở nên rối loại, ông ấy sẽ gặp vấn đề chính trị lớn”.

Chậm trễ trong công tác cứu trợ đang là vấn đề mà ông Aquino bị chỉ trích nhiều nhất. Sáu ngày đầu tiên sau siêu bão Haiyan, mỗi ngày chính phủ Philippines mới chỉ phân phát nhỏ giọt được 50.000 gói thực phẩm, mỗi gói vẻn vẹn có 6 kg gạo và thức ăn đóng hộp, chỉ đủ cho 3% trong tổng số 1,73 triệu gia đình bị ảnh hưởng.

Ở những khu vực bị tác động nhiều nhất, gồm cả Tacloban, hàng cứu trợ đầu tiên được đưa đến đây không phải từ chính phủ Philippines mà là từ các tổ chức nước ngoài. Thậm chí một tuần sau siêu bão, một số khu vực xa xôi người ta vẫn chưa nhìn thấy sự hiện diện của chính phủ.

Khi sự tuyệt vong gia tăng, truyền thông địa phương bắt đầu chất vấn vai trò lãnh đạo của ông Aquino. Thứ Năm tuần trước, nhật báo Philippines Inquirer đã giật hàng tít: “Ai là người chịu trách nhiệm ở đây?”. Jojo Robles, bình luận viên của tờ Manila Standard thì nói rằng ông Aquino đang tìm cách đổ lỗi cho những người khác trong việc xử lý thảm họa này ngoại trừ chính ông. “Aquino đã chứng tỏ rằng ông chưa hoàn thành chức trách của mình”, Robles viết.

Kể từ khi lên nắm quyền ngày 1/7/2010, không thể phủ nhận, với khả năng điều hành của mình, ông Aquino đã đưa Philippines trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á với các chỉ số chứng khoán tăng gần 90% và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn gấp đôi.

Tuy nhiên, Tổng thống Aquino đang phải đối diện với sức ép rất lớn từ những phản yếu kém của chính phủ trước thiên tai lớn nhất trong lịch sử Philippines.

Một siêu bão, trên thực tế, đã giúp một tổng thống như ông Obama đắc cử nhưng cũng một siêu bão, có thể sẽ hạ bệ được một tổng thống. Đó là nguy cơ hiện hữu mà ông Aquino đang phải đối diện.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại