Theo ông Bob Davis, một phóng viên theo dõi kinh tế Trung Quốc của WSJ, cách đây 5 năm, cũng như nhiều thành phố Trung Quốc, tại trung tâm công nghiệp Thường Châu, gần Thượng Hải, đâu đâu cũng có những chiếc cần trục xây dựng, vàng rực dưới ánh mặt trời.
Nhiều người lúc đó nói rằng: “Màu vàng là màu của sự phát triển”.
Năm 2012, Trung Quốc trở thành nước có kim ngạch thương mại số 1 thế giới, vượt qua cả Mỹ và là nền kinh tế số 2 thế giới, vượt qua cả Nhật Bản.
Các nhà kinh tế học nhận định rằng, việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian.
Năm 2013, Trung Quốc đã có sự thay đổi quyền lực lớn. Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền Chủ tịch Trung Quốc. Ông đã ban hành kế hoạch 60 điểm nhằm cải cách kinh tế và phát động chiến dịch chống tham nhũng qui mô lớn.
Theo nhiều nguồn tin, sự thanh lọc này đã khiến nhiều quan chức từ cấp trung ương tới cấp địa phương sợ hãi.
Tuy nhiên, Bob Davis cho hay, với nhiều năm quan sát Trung Quốc, ông cảm thấy bi quan về tương lai của nền kinh tế nước này. Khi ông mới đến, GDP của Trung Quốc tăng trưởng gần 10% mỗi năm, kéo dài trong gần 30 năm - một kỳ tích không thể sánh kịp trong lịch sử kinh tế hiện đại.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó đang giảm xuống chỉ còn khoảng 7%. Các doanh nhân phương Tây và các nhà kinh tế Trung Quốc cảnh báo, số liệu về GDP cho thấy nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng là đang đi xuống. Câu hỏi lớn đặt ra là nó sẽ đi xuống đến đâu và với tốc độ như thế nào.
Ông Davis nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc trong kì tích về kinh tế của Trung Quốc. Chúng ta thấy rằng sự thành công của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nhiều bởi bong bóng nhà ở và chi tiêu tham nhũng. Những chiếc cần cẩu xây dựng không còn là biểu tượng của sức mạnh kinh tế nữa mà giờ đây nó là biểu tượng của một nền kinh tế đang cố “giãy giụa” điên cuồng”.
Ông cho hay, hầu hết các thành phố Trung Quốc mà ông từng đến đều bị biến thành “thành phố ma” với chi chít các tòa nhà, những khu chung cư trống rỗng. Đêm đến, bạn chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng ở trên đỉnh của nó.
Nhìn từ khách sạn ở thành phố Yingkou, đông bắc Trung Quốc, bạn có thể nhìn thấy những tòa nhà chung cư kéo dài tới hàng dặm, nhưng đều trống rỗng, không có bóng người. Thậm chí ông David còn mường tượng khu vực này như vừa phải hứng chịu một vụ ném bom vậy.
Trong 20 năm qua, bất động sản đã trở thành động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Những năm cuối thập niên 1990, chính phủ Trung Quốc đã cho phép người dân thành thị được sở hữu nhà riêng, và nền kinh tế nổi lên từ đó. Người dân ào ào đổ tiền tiết kiệm vào bất động sản. Những ngành công nghiệp có liên quan như sắt thép, cửa kính và thiết bị điện tử gia dụng cũng phát triển mạnh. Bất động sản có khi chiếm đến hơn một phần tư tổng GDP.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo các khoản nợ, bao gồm các khoản vay của chính phủ, của các nhà phát triển và các ngành công nghiệp. Mùa hè vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý rằng suốt 50 năm qua chỉ có 4 quốc gia có số nợ tăng nhanh bằng Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. Cả 4 quốc gia đó gồm Brazil, Tây Ban Nha, Ireland và Thụy Điển đều đã phải đối mặt với khủng hoảng ngân hàng trong vòng 3 năm kể từ khi số nợ tăng mạnh.
Trung Quốc đã theo sau Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc dùng xuất khẩu để kéo nền kinh tế ra khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, mức xuất khẩu của Trung Quốc hiện nay đã được cho là tới hạn.
Hơn thế nữa, theo tìm hiểu của ông David, trong thế hệ trẻ Trung Quốc hiện nay có rất ít người lựa chọn cách trở thành một thương nhân.
Ông kể về một sinh viên công nghệ môi trường ở đại học Tsinghua. Bố mẹ cậu này giàu có nhờ vào việc mở công ty sản xuất giày dép và máy bơm. Nhưng cậu ta không hề có ý định nối nghiệp bố mẹ. Và bản thân bố mẹ cậu cũng không muốn con trai mình nối nghiệp.
Cậu kể, bố mẹ cậu đã khuyên cậu nên làm nhà nước. Họ cho rằng công việc đó đảm bảo hơn, và hy vọng cậu sẽ có được một vị trí tốt trong chính phủ để hỗ trợ việc kinh doanh của gia đình.
Ông David đặt câu hỏi: Liệu ông Tập Cận Bình có thể đưa nền kinh tế Trung Quốc ra khỏi sự tuột dốc? Tuy vậy, theo ông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì khi thực hiện các kế hoạch của mình.
Ông lấy ví dụ, hồi đầu năm nay, ông Tập Cận Bình yêu cầu giảm sản lượng sắt thép ở Hebei, nơi có sản lượng thép thô cao gấp đôi Mỹ. Trung Quốc giờ không còn cần nhiều sắt thép như trước nữa, việc sản xuất quá nhiều chỉ khiến cho bầu trời Bắc Kinh thêm đen đặc vì khói bụi. Tuy vậy, các quan chức khu vực này vẫn không chịu chấp hành cho đến khi ông Tập đưa ra các cảnh báo.
Vào cuối năm 2013, Hebei tổ chức sự kiện “Ngày Chủ nhật hành động”. Các quan chức cử các đội quân đến đập phá các lò luyện kim, làm nổ tung các nhà máy cán thép. Những hình ảnh này còn được phát sóng lên truyền hình. Tuy nhiên, thông tin sau đó cho rằng các lò bị phá hủy là những lò cũ, đã bị bỏ hoang từ lâu. Việc dỡ bỏ đó không hề ảnh hưởng đến sản lượng của khu vực này.
Thay vào đó, trong năm nay, ngành luyện thép của Trung Quốc dự kiến sẽ lập kỷ lục về sản lượng.
Với những biểu hiện như trên, ông David kết luận rằng, dường như, màu vàng ở Trung Quốc giờ không còn là màu của sự phát triển nữa mà là màu của “hoàng hôn”.