Theo lời quan chức này, "lấy việc thanh trừng ông Jang Song Thaek làm đường hướng, chính quyền Triều Tiên sau đó sẽ thực hiện thanh trừng quy mô lớn và chuyển giao toàn bộ thế hệ" giống như hai người tiền nhiệm của mình.
Khi nắm quyền lãnh đạo, ông và cha của Kim Jong Un cũng đã dành ít nhất 2 năm để loại bỏ tất cả những nhân vật bị nghi là phản bội hoặc thách thức quyền lực mình. Đối với cố chủ tịch Kim Nhật Thành, đó là cuộc thanh trừng tháng 8/1956, trong khi đó, ông Kim Jong Il cũng thực hiện cuộc thanh trừng trong nội bộ chính quyền của mình từ năm 1997 - 2000.
Tờ JoongAng Ilbo dẫn lời một nhân viên tình báo Hàn Quốc cho hay, “dưới triều đại của Kim Jong Un, Triều Tiên đã thay thế một số quan chức cấp cao - một dấu hiệu của sự chuyển giao thế hệ... Bình Nhưỡng đã đưa ra quy định buộc các binh lính trên 65 tuổi thôi chức". Quy định này được cho là áp dụng với cả quan chức quân sự và dân sự.
Theo nguồn tin này, kể từ sau khi Chủ tịch Kim Jong Il qua đời năm 2011, một số quan chức cấp cao trong quân đội như Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng) bị thay thế 6 tháng/lần. Trước mỗi cuộc cải tổ chính thức, chính quyền sẽ đưa "các quan chức trong độ tuổi 70 lên các vị trí cao như là một món quà trước khi buộc họ về từ bỏ mọi chức vụ". 44% tướng từ 3 sao trở lên đã bị thay thế.
Biến động quân đội đang diễn ra hiện nay ở Triều Tiên rất giống với thời điểm đầu những năm 1970 khi ông Kim Jong Il được cha mình là Kim Nhật Thành trao quyền lãnh đạo quốc gia. Khi đó, ông Kim Jong Il đã hạ độ tuổi về hưu từ 40 xuống 32 đối với chỉ huy cấp đại đội, từ 50 xuống 35 đối với chỉ huy cấp tiểu đoàn và từ 60 xuống 40 đối với chỉ huy cấp trung đoàn.
Tất cả các quan chức Triều Tiên đã có tuổi sẽ bị thanh trừng? (Ảnh minh họa)
Sau khi ông Jang Song Thaek bị phế truất, các nhà phân tích cho rằng những thân tín trung thành với ông này sẽ bị cách chức hàng loạt giống như cuộc thanh trừng của ông Kim Jong-il.
Mặc dù ông Jang Song Thaek có nhiều đồng minh, song theo một số chuyên gia, người của ông này rất khó thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, còn triều đại họ Kim dường như sẽ trở nên ổn định sau cuộc thanh trừng. Giáo sư Nam Sung-wook tại trường đại học Hàn Quốc nhận định trên tờ Korea JoongAng Ilbo rằng, “nếu ông này muốn thực hiện đảo chính thì cần có các binh lính riêng của mình, nhưng ông không phụ trách quân đội".
Nhà phân tích Cheong Seong Chang tại Viện Sejong cũng cho rằng, "ông Jang không có quyền chỉ đạo quân đội, hầu hết những thân tín của ông này đều làm việc trong các cơ qunan của đảng có liên quan tới kinh doanh ngoại tệ".