Kim Jong Un chưa thể có kĩ năng “tham gia cuộc chơi” hạt nhân

Chín quốc gia hạt nhân trên thế giới đang sở hữu khoảng 18.000 đầu đạn hạt nhân và trên 90% trong số đó là của Nga và Mỹ. Tuy nhiên, mối lo ngại của dư luận lại đang tập trung vào các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và điển hình là Triều Tiên.

Ước tính Triều Tiên có từ 4 tới 10 đầu đạn hạt nhân – con số nhỏ nhất trong các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân – và hiện Triều Tiên vẫn là tâm điểm của các nỗ lực ngoại giao nhằm khiến nước này dừng chương trình hạt nhân của mình lại.

Các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là nguồn gốc của sự bất ổn và căng thẳng tại một khu vực có vai trò quan trọng đối với an ninh và kinh tế toàn cầu.

Bên trong một nhà máy hạt nhân của Triều Tiên.

Sau khi rút lui khỏi Hiệp ước giảm từ vũ khí hạt nhân vào năm 2003, Bình Nhưỡng đã liên tục cam kết từ bỏ vũ khí để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh và hỗ trợ về kinh tế, tạm thời gác bỏ tham vọng hạt nhân nhưng sau đó lại liên tục phá vỡ các cam kết của chính mình.

Năm 2006 và 2009, các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã bị cộng đồng thế giới lên án và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận để rồi sau đó Triều Tiên rút lui khỏi các cuộc đàm phán 6 bên.

Sau vụ phóng thử thất bại hồi tháng 4/2012, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quĩ đạo vào ngày 12/12/2012. Các chuyên gia Nhật Bản đã vô cùng ấn tượng trước độ chính xác của công nghệ tên lửa và sự thành công của vụ phóng ngay cả trong điều kiện thời tiết mùa đông không thuận lợi.

Nhiều nước cho rằng vụ phóng thực chất là vỏ bọc cho vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân vào ngày 12/2/2013.

Vũ khí hạt nhân có thể được làm từ nguyên liệu uranium hoặc plutonium làm giàu ở mức độ cao. Công nghệ uranium làm giàu ở mức độ cao có thể dễ dàng bị che giấu hơn và đó là con đường mà Iran có thể đang theo đuổi để chế tạo bom hạt nhân.

Các quả bom làm từ plutonium dễ thu nhỏ để gài đầu đạn lên tên lửa hơn. Hai vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên sử dụng nguyên liệu plutonium còn trong vụ thử hạt nhân hồi đầu năm nay chưa rõ Triều Tiên dùng loại nguyên liệu gì.

Trong lúc căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận, Triều Tiên đã hủy lệnh ngừng bắn kí năm 1953, cắt đường dây nóng với Seoul và Washington, đe dọa tấn công hạt nhân Hàn Quốc và Hoa Kỳ đồng thời đóng cửa Khu công nghiệp chung Kaesong, nơi có gần 500 công nhân Hàn Quốc đang lao động.

Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ tái khởi động và sửa chữa cơ sở làm giàu uranium và lò phản ứng sản xuất plutonium ở Yongbyon đã dừng hoạt động từ tháng 10/2007.

Triều Tiên lí giải cho động thái trên vừa với lí do sản xuất điện lại vừa cả lí do củng cố chất lượng và số lượng vũ khí hạt nhân của nước này. Cần có khoảng 8.000 thanh nhiên liệu để chạy lò phản ứng, sau khi hoạt động khoảng 1 năm, lò phản ứng này có thể cho ra lò từ 6 tới 7 kg plutonium. Một quả bom hạt nhân cần khoảng 5kg plutonium.

Từ lâu, Triều Tiên vẫn luôn đưa ra một loạt những lời đe dọa và các hành động khiêu khích, trong đó có sự kiện đánh chìm tàu chiến Cheonan khiến 46 thủy thủ trên tàu thiệt mạng và nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010.

Cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il là người rất giỏi tạo căng thẳng và làm dịu tình hình để đổi lấy dầu mỏ, viện trợ hoặc "sự kính nể". Nhưng con trai đồng thời là người kế nhiệm ông, Kim Jong Un, là một nhà lãnh đạo non trẻ và thiếu kinh nghiệm nên có thể sẽ tìm cách bắt chước cha và ông mình; tức là sẽ làm leo thang căng thẳng, đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề trong nước và sau đó làm giảm căng thẳng.

Tình hình căng thẳng vừa qua có lẽ liên quan tới cuộc tập trận chung thường niên giữa Seoul và Washington. Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn năm nay có sự tham gia của máy bay ném bom B-52, máy bay ném bom hạt nhân tàng hình B-2 và chiến đấu cơ tàng hình F-22. Các cuộc tập trận diễn ra mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân Triều Tiên, khiến Bắc Kinh lo ngại và thể hiện rõ nét chiến lược lấy châu Á “làm trục” của Hoa Kỳ.

Phần lớn các bài báo phương Tây đều thổi phồng luận điệu hiếu chiến của Triều Tiên mà không “đả động” gì tới các cuộc tập trận quân sự đã khiêu khích Bình Nhưỡng. Vì thế, dư luận thế giới lại càng nhìn nhận về Kim Jong Un và Triều Tiên như một nhà lãnh đạo trẻ tuổi và một quốc gia điên rồ.

Trong khi đó, không rõ động cơ thực sự của Kim Jong Un qua những luận điệu và hành động hiếu chiến là gì. Có thể anh này muốn đối mặt với một mối đe dọa thực sự, hoặc nhằm củng cố uy tín cá nhân bằng cách tỏ ra cứng rắn, hoặc nhằm đảm bảo rằng quân đội sẽ tiếp tục ủng hộ, củng cố sự đoàn kết trong nước vân vân.

Đây là một phần của chiến lược “tung hỏa mù” khiến kẻ thù tin rằng bạn sẽ hành động không khoan nhượng nếu những lợi ích sống còn của bạn bị tấn công.

Triều Tiên tuyên bố các vũ khí hạt nhân của nước này là nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Hoa Kỳ: Liệu Saddam Hussein và Moammar Gadhafi có phải chịu kết cục bi thảm như những gì toàn thế giới đã chứng kiến nếu họ sở hữu vũ khí hạt nhân?

Triều Tiên cũng coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là phương tiện tối đa hóa kết quả mà nước này có thể đạt được trong các cuộc thương lượng với đối thủ, vụ thử hạt nhân và cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên vừa qua có thể giúp Bình Nhưỡng đạt được nhiều thứ hơn tại các cuộc đàm phán trong tương lai. Đã từ lâu, “Khiêu khích trước, đàm phán sau” là chiến lược hành động của Triều Tiên.

Hình ảnh vệ tinh về lò phản ứng hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.

Tuy vậy, dư luận nhìn chung cho rằng Kim Jong Un chưa thể có kĩ năng “tham gia cuộc chơi” giống như cha và ông mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhà lãnh đạo non trẻ của Triều Tiên đánh giá sai phản ứng của Seoul, Tokyo hay Washington trước hành động khiêu khích của anh ta?.

Hay có thể Kim Jong Un đã tính toán sai lầm về chính các kĩ năng làm leo thang căng thẳng và thương lượng cũng như quyền lực của mình. Một nguyên nhân gây rủi ro khác là sự chuyển giao quyền lực Bắc Kinh, Seoul và Tokyo diễn ra trong lúc Kim Jong Un còn đi những bước “chập chững” lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên.

Triều Tiên đã có khoảng từ 25 tới 40kg plutonium, đủ để chế tạo ít nhất 8 quả bom hạt nhân nữa nhưng vẫn chưa làm chủ được công nghệ gài đầu đạn hạt nhân lên tên lửa để có thể nhắm bắn tới đất liền nước Mỹ.

May mắn là chính sự bình thản của người dân Hàn Quốc trong lúc cả thế giới lo lắng chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đã khiến tình hình bớt leo thang thêm căng thẳng. Có lẽ do các thế hệ nối tiếp nhau phải lớn lên và sống dưới sự đe dọa liên tục của Triều Tiên nên nhiều người dân Hàn Quốc không quan tâm tới rủi ro xảy ra cuộc xung đột Triều Tiên lần 2.

Nguy  cơ xảy ra chiến tranh ngoài mong muốn có thể nằm ở sự tính toán sai lầm, nhận định sai lầm hoặc thiếu sự liên lạc giữa hai bên khi các hành động khiêu khích nối tiếp nhau và tình hình căng thẳng leo thang đến mức ngoài tầm kiểm soát.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại