Kiev tố xe tăng Nga san phẳng thị trấn miền Đông Ukraine

Tổng thống Ukraine cảnh báo rằng, nước này đang ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh toàn diện...

Kiev nói xe tăng của Nga đã san phẳng một thị trấn nhỏ của Ukraine gần khu vực biên giới, trong khi lực lượng nổi lượng nổi dây thân Moscow tiếp tục giành ưu thế trong cuộc phản công ở miền Đông. Các nhà lãnh đạo châu Âu đe dọa sẽ tăng cường trừng phạt Nga, nhưng chưa nêu rõ thời điểm hành động.

Theo tin từ Reuters, tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels hôm qua (30/8), Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bày tỏ hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng của nước này. Tuy vậy, ông Poroshenko cảnh báo rằng, Ukraine đang ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh toàn diện.

Tại Kiev, phát ngôn viên quân sự Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko nói với báo giới rằng, xe tăng của Nga đã tiến vào một thị trấn nhỏ ở vùng Novosvitlivka trên lãnh thổ Ukraine gần biên giới với Nga và nã đạn vào mọi ngôi nhà ở đây.

“Chúng tôi có được thông tin cho biết, gần như mọi ngôi nhà trong thị trấn đó đã bị phá hủy”, ông Lysenko nói, nhưng không nêu chi tiết về thời điểm vụ tấn công diễn ra. Các cuộc họp báo hàng ngày về tình hình quân sự của Ukraine thường cung cấp thông tin về các diễn ra trong 24 giờ trước đó.

Ông Lysenko cũng nói rằng, quân nổi dậy tiếp tục đẩy mạnh cuộc phản công ở thành phố miền Đông Luhansk, một trong những căn cứ mạnh của lực lượng này. Tuần trước, quân nổi dậy đã mở một chiến trường mới tại một khu vực khác ở miền Đông Ukraine. Mấy ngày gần đây, lực lượng chính phủ Ukraine đã phải rút lui trước những đợt phản công mạnh mẽ của các phần tử ly khai.

“Sự gây hấn quân sự trực tiếp của Nga ở miền Đông Ukraine đang tiếp diễn. Nga tiếp tục gửi thiết bị quân sự và ‘lính đánh thuê’ sang Ukraine”, Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine nói trên mạng xã hội Twitter.

Kiev và phương Tây cho rằng, ưu thế mà quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine có được trong mấy ngày gần đây là do Nga cử các đơn vị binh sỹ có xe bọc thép sang hỗ trợ. Tuy nhiên, Nga đã liên tục bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này tiếp tay cho quân nổi dậy ở Ukraine. Trong ngày thứ Bảy, phía Nga chưa đưa ra tuyên bố hay bình luận mới nào về những cáo buộc này. Trước đó, hôm thứ Sáu, Tổng thống Vladimir Putin so sánh chiến dịch trấn áp quân nổi dậy của Chính phủ Ukraine với cuộc xâm lược của Đức quốc xã trên đất Nga hồi Chiến tranh Thế giới thứ hai, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng, Nga là một cường quốc hạt nhân mà các đối tác không nên “làm phiền”.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk là người được cử đứng lên đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ đối với điện Kremlin. Giới phân tích đánh giá rằng, động thái này cho thấy ảnh hưởng mới của khu vực Đông Âu đối với EU.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU nhất trí gấp rút chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga do vai trò mà nước này được cho là có trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, do nội bộ EU còn bất đồng xung quanh vấn đề trừng phạt bổ sung Nga, nên các nhà lãnh đạo khối chưa đưa ra được một khung thời gian cụ thể cho đợt trừng phạt tiếp theo.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân vật quyền lực nhất trong EU, nói rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ sẵn sàng trong vòng 1 tuần và ông Putin cần hành động để tránh sự trừng phạt này. “Sẽ có quyết định về lệnh trừng phạt mới nếu tình hình như hiện nay tiếp diễn hoặc xấu đi”, bà Merkel nói.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso nói, EU sẵn sàng siết chặt trừng phạt Nga, nhưng khối này cũng muốn có một giải pháp chính trị để kết thúc khủng hoảng. “Chúng tôi sẵn sàng đưa ra những biện pháp mạnh mẽ và rõ ràng, nhưng chúng tôi vấn để ngỏ khả năng cho giải pháp chính trị”, ông Barroso nói.

Tổng thống Ukraine Poroshenko thì nói, cuộc khủng hoảng ở nước này đang tiến gần tới một bước ngoặt. “Tôi nghĩ chúng tôi đang tiến gần tới một bước ngoặt không thể quay đầu lại nữa. Đó là một cuộc chiến tranh toàn diện như đã hiện hữu trên lãnh thổ do quân ly khai kiểm soát”, ông Poroshenko phát biểu.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ hy vọng rằng, cuộc gặp ba bên giữa Kiev, Moscow và EU vào ngày thứ Hai tuần tới có thể đem đến một kế hoạch ngừng bắn.

Một quan chức cấp cao về nhân quyền của Liên hiệp quốc hôm thứ Sáu (29/8) nói rằng, đã có gần 2.600 dân thường, quân chính phủ Ukraine và quân nổi dậy thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng đã kéo dài từ đầu năm tới nay ở miền Đông Ukraine. Cuộc khủng hoảng này dẫn tới cuộc đối đầu Đông-Tây mạnh mẽ nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại