Trong một bài viết mới đây được đăng tải trên tờ CNN, tác giả Clare Sebastian cho rằng sau sự tham gia của Nga vào khủng hoảng của Ukraine, sự phát triển và ổn định của nền kinh tế Nga đang đứng trước những thách thức lớn. Những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga có thể sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Dưới đây là những phân tích của tác giả Clare Sebastian trên CNN:
Tuần qua, một xưởng đúc của Nga đã đúc một đồng xu mới để đánh dấu sự kiện “ tái sáp nhập” Crimea vào Liên bang Nga. Chân dung của Tổng thống Nga Putin ở một mặt, mặt còn lại là bản đồ của Crimea.
Đồng tiền kỉ niệm sự kiện Crimea sáp nhập Nga.
Nhiều người Nga, đặc biệt là những người đã trải quá cuộc sống từ thời Xô viết và dưới thời của Cựu Tổng thống Boris Yeltsin, đều nhìn thấy dấu ấn của Putin trên tất cả các đồng tiền của họ. Khi ông nắm giữ vị trí Tổng thống vào những giờ phút cuối cùng của thiên niên kỷ trước, nước Nga đang phải hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/1999, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã nhận định: “Những bất ổn liên tục về kinh tế và chính trị đã dẫn đến tình trạng nguồn vốn chảy khỏi Nga và sự sụt giảm mạnh đầu tư nước ngoài ”.
Putin đã tiến hành các biện pháp khôi phục kinh tế. Ông giảm thuế thu nhập, thuế của doanh nghiệp, loại trừ tệ quan liêu. Thêm vào đó, nhờ giá dầu tăng cao, kinh tế Nga tăng trường mạnh, trung bình 7% trong 8 năm tiếp theo. Nước Nga có tiền và có cơ hội để kiếm thêm nữa. Các cửa hàng cao cấp đã bắt đầu xuất hiện ở Matxcova và St Petersburg, nhiều người Nga đi du lịch nước ngoài. Sự ổn định và thịnh vượng được đánh giá cao hơn hết thảy - thậm chí là nền dân chủ.
14 năm sau, trong bản báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của IMF đã có sự tương đồng đáng lo ngại so với năm 1999. Triển vọng kinh tế của Nga đã xuống thấp vì “những rủi ro chính trị". IMF lưu ý rằng “đầu tư đang rất yếu, phản ánh sự bất ổn về chính sách". Cơ quan đánh giá tín nhiệm Standard and Poor hôm 25/4 đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức chỉ trên "rác" một bậc.
Nếu gọi đây là một vòng tròn khép kín thì quá lạc quan. Năm 1999, Nga đã thoát khỏi sự suy thoái khi Putin lên làm Tổng thống. Bây giờ thì nó đang trượt dốc.
Trong khi nền kinh tế Nga có tới 477 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, nhưng các biện pháp trừng phạt vẫn có thể ảnh hưởng rất nặng nề và có một vấn đề quan trọng hơn- đó là vấn đề quan điểm.
Ông Andrei Konoplyanik, cố vấn cấp cao của tập đoàn Gazprom cho biết ông rất lo lắng khi chỉ số xếp hạng bị hạ và dự đoán rằng“ nó ngay lập tức khiến cho cộng đồng đầu tư thêm lo lắng”. Nước Nga có thể không cần sụ ủng hộ từ nước ngoài nhưng lại rất cần tiền của nước ngoài.
Trong một bài phát biểu vào năm 2008, khi đặt mục tiêu của nước Nga tới năm 2020, Putin đã tuyên bố: “Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi không có ý định tước đi của ai bất cứ thứ gì. Chúng tôi là một đất nước tự cung tự cấp và chúng tôi không có ý định đóng cửa mình với thế giới và sống trong sự cô lập”.
Ông Putin đã làm vậy - nhưng liệu Putin đã chuẩn bị sẵn sàng hy sinh sự ổn định còn lại của nền kinh tế Nga trong quá trình này?.
Xem thêm: Cận cảnh đồng tiền được đúc kỉ niệm sự kiện Crimea sáp nhập Nga