Với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí thú vị, giao thông thuận tiện, và đường xá gọn gàng sạch đẹp, Singapore là một điểm đến được đông đảo khách du lịch trên khắp thế giới ưa chuộng, trong đó có một lượng không nhỏ đến từ Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục du lịch Singapore, trong năm 2013 đã có gần 400.000 lượt khách Việt Nam đặt chân xuống sân bay quốc tế Changi.
Với khách du lịch, một hoạt động không thể thiếu trong các chuyến đi là mua sắm. Đây cũng là một điểm mạnh của ngành du lịch Singapore, với hàng tá các trung tâm mua sắm đa dạng về mặt hàng và chủng loại. Tuy nhiên, trong những "thiên đường mua sắm" này vẫn tồn tại những "vua lừa" với nhiều chiêu trò ma mãnh nhằm móc túi du khách nước ngoài, mà sự việc khách du lịch Việt Nam mới đây bị Sim Lim Square lừa đảo là một ví dụ điển hình.
Theo thông tin khách du lịch phản hồi trên trang AsiaOne.com, những kẻ lừa đảo này tập trung đông đảo ở khu vực Sim Lim Square, Lucky Plaza, và Chinatown. Những chiêu trò của chúng thường được áp dụng trên các thiết bị điện tử, mặt hàng mà nếu người mua không sành sẽ rất khó kiểm nghiệm chất lượng và dễ bị lừa. Dưới đây là tổng hợp một số chiêu trò khách du lịch nên để tâm chú ý khi mua sắm tại Singapore:
1. Hàng không có mác giá
Với chiêu thức này, chủ cửa hàng có thể đánh giá mức độ hiểu biết của người mua về sản phẩm đó trước khi nói "khống" một mức giá nhất định. Vì vậy, khách hàng tuyệt đối không nên mua những mặt hàng không có nhãn mác giá cả đầy đủ.
2. "Bịa" thêm thuế
Chủ cửa hàng sẽ lừa người mua bằng cách đặt những mức giá phải chăng trên mặt hàng, sau đó ở quầy thanh toán sẽ điền thêm một khoản thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) vào hóa đơn. Nhiều khách hàng thiếu hiểu biết sẽ chấp nhận trả thêm khoản thuế này. Tuy nhiên, theo luật Singapore, giá của tất cả các mặt hàng được bày bán bắt buộc phải là giá đã tính sau thuế. Vì vậy, du khách tuyệt đối nói không với các khoản thuế "khống" mà chủ cửa hàng đặt ra.
3. Hoàn lại thuế
Trò lừa này sẽ đi kèm với trò "bịa" thêm thuế nói trên. Chủ cửa hàng sẽ nói với khách rằng họ sẽ được hoàn lại thuế ở sân bay trước khi xuất cảnh vì loại thuế này chỉ được áp dụng với người Singapore. Đến khi ra sân bay thì du khách mới "vỡ lở" rằng mình đã mua đồ tại một cửa hàng chưa được đăng kí với Tổng cục thuế Singapore.
iPhone, Ipad, những mặt hàng thường dính líu đến lừa đảo
4. Cắt xén bộ phận
Với chiêu này, chủ cửa hàng sẽ nhặt ra một vài bộ phận của các thiết bị điện tử như iPhone hay iPad và sau đó "bán kèm" với sản phẩm. Khách hàng nên nhớ iPhone và iPad luôn đi kèm với tai nghe và bộ sạc. Nếu mở hộp ra mà không thấy những linh kiện này thì tuyệt đối không mua.
5. Dụ dỗ
Đây là hình thức lừa đảo phổ biến nhất tại các trung tâm mua sắm. Chủ cửa hàng sẽ gây sự chú ý với người mua bằng cách đưa ra một mặt hàng giá cực rẻ. Sau đó khi người mua có vẻ đã "xuôi", chủ cửa hàng lại tìm cách dụ khách hàng chuyển sang mua một sản phẩm khác với các tính năng tốt hơn, ở mức giá trên trời. Chiêu trò này đánh vào tâm lý khách du lịch không muốn mang tiếng ham rẻ, thích dùng hàng xịn. Du khách cần hết sức chú ý.
6. Lừa bảo hành
Với những mặt hàng giá trị nhưng "mỏng manh dễ vỡ" như iPhone hay iPad, chủ cửa hàng sẽ dụ người mua kí vào những bản hợp đồng bảo hiểm với mức giá ngất ngưởng. Những tên lừa đảo này thường sẽ đợi sau khi người mua đã hoàn tất thanh toán mặt hàng gốc (như trường hợp của du khách Việt Nam bị lừa), sau đó mới chìa ra những bản hợp đồng bảo hiểm này, và dọa người mua rằng nếu không thanh toán cả bảo hiểm thì sẽ mất luôn mặt hàng vừa mua.
Singapore đã, đang, và vẫn sẽ là một điểm đến ưa thích với người dân Việt Nam. Nhưng để có một trải nghiệm thú vị nhất tại Đảo quốc Sư tử, du khách cần để tâm hơn khi mua sắm để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo nơi đây.