Nước Mỹ và Obama đã mất những gì trong cuộc khủng hoảng Syria?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Tấn công Syria là một kế hoạch mà ngay cả giới quân nhân Mỹ cũng chán ngán. Nếu xảy ra, nó sẽ là cuộc chiến mà người Mỹ phải đơn thương độc mã ra trận.

Khi quân đội Mỹ cũng không muốn tham chiến

Vào đầu tháng này, trên Internet lan truyền hình ảnh một người mặc quân phục Hải quân Mỹ che mặt mình với một tấm bảng viết ‘Tôi không gia nhập Hải quân để chiến đấu cho Al Qaeda trong nội chiến ở Syria’. Mặc dù không thể xác định được danh tính của nhân vật trong ảnh, hay thậm chí đó có đúng là một quân nhân hay không, thì bức ảnh cũng đã làm dấy lên tranh luận về việc giới quân sự Mỹ nghĩ gì về tình hình Syria.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự bất mãn trong nội bộ quân đội Mỹ về chính sách liên quan đến Syria của chính quyền Tổng thống Obama.

Trong buổi điều trần trước Uỷ ban đối ngoại thượng viện Mỹ hôm 3/9, trong khi Ngoại trưởng John Kerry liên tục cao giọng và vung tay đầy nhiệt huyết khi nói về ‘vụ tàn sát dân thường’ của chính quyền Al-Assad, thì tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, hầu như chỉ ngồi im lặng.

Tướng Dempsey, Ngoại trưởng Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Hagel trong cuộc điều trần trước Uỷ ban đối ngoại thượng viện Mỹ
Tướng Dempsey, Ngoại trưởng Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Hagel trong cuộc điều trần trước Uỷ ban đối ngoại thượng viện Mỹ

Sự tương phản giữa một chính trị gia, John Kerry, và một quân nhân, tướng Dempsey được thể hiện rất rõ khi ông Kerry liên tục nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama không dự định ‘bắt đầu một cuộc chiến tranh’ mà chỉ là một ‘hành động quân sự có giới hạn’. Bởi vì chính quyền Mỹ hiện nay hiểu rõ đa số công chúng Mỹ không muốn có thêm một cuộc chiến nữa. Và để tăng thêm trọng lượng cho luận điểm của mình, ông Kerry quay sang tướng Dempsey và hỏi ‘Đại tướng, ngài có muốn nói gì về điều này không?’.

Nhưng tướng Dempsey từ chối trả lời: ‘Không, không có gì. Cảm ơn ngài đã hỏi’.

Là một quân nhân chuyên nghiệp, tướng Dempsey hiểu rõ đó chỉ là một trò chơi chữ của các chính trị gia. Một khi bom đạn rơi xuống, thì đó đã là một cuộc chiến, không quan trọng giới lãnh đạo muốn gọi nó là gì. Không thể công khai phản đối, im lặng là cách tướng Dempsey bày tỏ chính kiến của mình.

Tuy nhiên, thể hiện rõ ràng nhất của sự bất mãn từ giới quân sự đến từ các cựu quân nhân, những người không còn bị ràng buộc bởi nguyên tắc không bày tỏ chính kiến. Thiếu tướng về hưu Robert Scales, nguyên Hiệu trưởng Học viện Lục quân Mỹ viết một bài báo đăng trên tờ Washington Post, gọi chính sách của Tổng thống Obama là ‘nghiệp dư’, và Syria là một ‘cuộc chiến mà Lầu Năm Góc’ không hề mong muốn.

Tương tự, cựu trung tá Hải quân J.D. Gordon, từng là phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, viết một bài báo trên tờ Washington Times. Trong đó, ông cho rằng quân đội Mỹ đang mất niềm tin vào Tổng thống Obama, được thể hiện qua việc có nhiều thông tin quân sự liên quan đến Syria bị rò rỉ một cách cố ý cho báo chí.

Vì sao tấn công Syria không phải là ý tưởng hay cho Mỹ?

Mặc dù chế độ của Tổng thống Al-Assad chẳng ưa gì nước Mỹ, và Mỹ cũng xem đây là một cái gai trong mắt mình, thì điều đó cũng không có nghĩa là kẻ thù của Al-Assad là bạn của nước Mỹ. Chính quyền Al-Assad là một chính quyền thế tục, nghĩa là nó không dựa trên nền tảng tôn giáo. Trong khi đó nhiều nhóm trong lực lượng đối lập lại mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan, thậm chí có thể có liên hệ đến Al Qaeda.

Đêm xuống tại khu vực do lực lượng phiến quân chiếm giữ tại thành phố Aleppo
Đêm xuống tại khu vực do lực lượng phiến quân chiếm giữ tại thành phố Aleppo

Hiện nay chế độ Al-Assad không phải là một sự đe dọa trực tiếp đến nước Mỹ. Mục tiêu chính của nó là duy trì quyền lực của mình. Trong khi đó, nếu một chế độ cầm quyền Hồi giáo cực đoan được thiết lập, nó có thể xem Mỹ là mục tiêu vì lí do ý thức hệ. Như vậy vô hình trung Mỹ đã tự tạo thêm một kẻ thù trực tiếp.

Hiện nay trong khu vực Trung Đông, chỉ còn 2 quốc gia chưa thuộc quỹ đạo của Mỹ là Iran và Syria. Hai 2 nước này cũng là đồng minh của nhau. Trong thời gian qua, Iran là nước hỗ trợ cho chính phủ Syria nhiều nhất, gồm cả tài chính, vũ khí lẫn nhân lực. Xét trên quan điểm ‘thực dụng’, lựa chọn khôn ngoan nhất của Mỹ là tiếp tục để 2 phe tại Syria giao tranh với nhau. Như vậy vừa khiến Syria suy yếu, vừa khiến Iran tiêu tốn nguồn lực để hỗ trợ chính quyền Al-Assad.

Một hành động quân sự, cho dù chỉ là ‘giới hạn’, cũng sẽ rất tốn kém. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện nay và trong tương lai chắc chắn sẽ bị cắt giảm. Dự kiến trong 1 thập kỷ tới, tổng ngân sách bị giảm có thể lên đến 500 tỷ USD. Do đó, ngay cả với những thành phần ‘diều hâu’ nhất cũng không hề mong muốn một cuộc chiến ‘vô bổ’ tại Syria hiện nay.

Cuối cùng, nếu Mỹ tham chiến tại Syria, đó sẽ là 1 lần hiếm hoi mà Mỹ gần như không có sự ủng hộ của các đồng minh. Ngay cả đồng minh thân cận nhất là Anh cũng không muốn tham gia. Chỉ có Pháp là có cam kết gửi quân hỗ trợ, nhưng cũng rất dè dặt.

Tất nhiên chính quyền Tổng thống Obama không phải là không nhận ra những bất lợi này. Nhưng ‘lằn ranh đỏ’ mà ông Obama đặt ra đã khiến chính phủ Mỹ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ngay đúng lúc đó thì phía Nga đưa ra đề xuất chính quyền Syria giao nộp toàn bộ số vũ khí hóa học để đổi lấy việc không bị Mỹ tấn công.

Đề xuất của Nga kéo Mỹ khỏi vũng bùn

Đề xuất của Nga để Syria chuyển giao vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trước mắt có thể giúp giảm nhiệt cuộc khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên tính khả thi của nó vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có câu trả lời, hoặc câu trả lời chưa thỏa đáng: Ai hoặc tổ chức nào sẽ giám sát quá trình chuyển giao này? Hay làm cách nào để xác nhận chắc chắn Syria đã chuyển giao toàn bộ số vũ khí mình đang có? Ngay cả khi Syria thực sự chuyển giao toàn bộ số vũ khí đang có, họ vẫn có thể tiếp tục sản xuất thêm nếu cần sau này.

Vì vậy, một chương trình thanh sát toàn diện là cần thiết để xác định số lượng vũ khí hiện tại và giám sát các cơ sở sản xuất. Nhưng khi Syria vẫn đang trong nội chiến, thì việc thanh sát là vô cùng khó khăn.

Từ phải qua: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov; phái viên Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi; Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp ba bên bàn về vấn đề Syria
Từ phải qua: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov; phái viên Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi; Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp ba bên bàn về vấn đề Syria

Tuy vậy, đề xuất này đến đúng lúc để giúp Tổng thống Obama thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không tấn công Syria, chính quyền Mỹ sẽ mất đi uy thế của mình. Còn nếu tấn công thì chịu sự phản đối trong nước, không có sự ủng hộ của nhiều đồng minh truyền thống, và sẽ là một cuộc chiến tốn kém.

Trong trường hợp sau khi đề xuất của Nga được thực hiện mà Syria vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học, thì rõ ràng phía Nga khó có thể tiếp tục ủng hộ Syria. Và một hành động quân sự của Mỹ có thể nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ cả trong và ngoài nước.

Nhưng như đã nói ở trên, cho dù là hành động quân sự của Mỹ hay đề xuất của Nga thì chỉ có thể giải quyết một phần khủng hoảng Syria hiện nay. Vấn đề chính vẫn là cuộc nội chiến đang diễn ra, và rất khó để xác định khi nào nó sẽ kết thúc, với kết quả như thế nào.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại