Những ngày cuối cùng của tháng 1 và đầu tháng 2.2016 đang chứng kiến một sự chuyển dịch quyền lực lớn trên thị trường dầu lửa thế giới, khi Mỹ cuối cùng đã quay trở lại cuộc đua xuất khẩu dầu.
Sau khi Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã tồn tại 40 năm qua vào cuối tháng 12.2015, những chuyến tàu chở dầu đầu tiên từ Mỹ đã cập bến châu Âu, đánh dấu cho sự tham gia của Mỹ vào cuộc tranh chấp thị phần trên thị trường dầu thế giới.
Bối cảnh giá dầu lao dốc mạnh, hiện dao động quanh mức 33 USD/thùng, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia xuất khẩu dầu lửa trên thế giới, dường như không xảy ra với các tập đoàn dầu lửa Mỹ. Vì họ đã có một bảo bối chống lưng: các khoản vay.
Trên thực tế, sự giảm sút lợi nhuận do giá dầu lao đốc mạnh đang là điều diễn ra với mọi quốc gia và các tập đoàn dầu lửa trên toàn cầu, mà Mỹ cũng không ngoại lệ, điển hình là tập đoàn dầu mỏ PB.
Theo báo cáo kinh doanh quý IV/2015, lợi nhuận của tập đoàn nổi tiếng này đã giảm tới 91% trong quý cuối cùng của năm, với mức lợi nhuận đạt được chỉ là 196 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với con số được dự báo 814,7 triệu USD.
Không những lợi nhuận sụt giảm mạnh so với dự kiến, lợi nhuận trong quý IV/2015 được dự kiến của PB cũng đã ít hơn nhiều so với lợi nhuận họ thu được vào quý IV/2014 là 2,24 tỷ USD.
Tổng cộng, lợi nhuận của PB trong cả năm 2015 chỉ đạt mức 5,9 tỷ USD, giảm 51% so với mức lợi nhuận 12,1 tỷ USD của năm 2014. Và đây là quý thứ 6 liên tiếp lợi nhuận của tập đoàn này sụt giảm.
Đó cũng là tình hình chung của hầu hết các tập đoàn dầu lửa lớn trên thế giới khi mà giá dầu đã sụt giảm khoảng 42% trong quý IV/2015, đạt mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Như tập đoàn dầu lớn thứ hai của Mỹ là Chevron đã có quý thua lỗ đầu tiên kể từ năm 2002, trong khi đó tập đoàn dầu quốc gia Trung Quốc là PetroChina cũng dự kiến lợi nhuận trong năm 2015 sẽ giảm khoảng 60%.
Nhưng khi mà khá nhiều các tập đoàn lớn tại nhiều quốc gia chọn cách hạ sản lượng khai thác và xuất khẩu, mà Nga là một ví dụ khi tập đoàn Transneft của nước này vừa tuyên bố các mỏ dầu của Nga sẽ giảm sản lượng khoảng 6,4% trong năm 2016, thì điều đó lại không hề diễn ra tại Mỹ.
Bất chấp lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, các tập đoàn dầu lửa Mỹ vẫn không ngừng gia tăng sản lượng khai thác, điển hình như Shell.
Bất chấp giá dầu giảm mạnh, tập đoàn dầu mỏ này vẫn chưa hề cắt giảm cổ tức của các cổ đông một lần nào, kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, đồng thời đang có sản lượng khai thác cao nhất trong vòng hai thập kỷ qua.
Lý do chủ yếu cho hiện tượng này là các tập đoàn dầu lửa Mỹ có thể thực hiện được các khoản vay rất lớn để đảm bảo cân đối ngân sách.
Nợ của PB trong năm 2015 đã tăng khoảng 5 tỷ USD, từ mức 22,6 tỷ USD năm 2014 lên mức 27,2 tỷ USD cuối năm vừa qua, nhưng tổng giám đốc tập đoàn là Bob Dudley cho biết ông sẵn sàng đi vay thêm hàng tỷ USD nữa để đảm bảo hoạt động ổn định cho tập đoàn nếu cần thiết.
PB trên thực tế chỉ là một trong số khá nhiều tập đoàn dầu lửa Mỹ đang cố gắng chống lại xu thế cắt giảm sản lượng để bù lỗ đang diễn ra tại các tập đoàn dầu trên khắp thế giới.
Thậm chí, mức vay nợ của PB so với một số tập đoàn lớn khác thuộc dạng không đáng kể. Theo thống kê, nợ của tập đoàn dầu lớn thứ hai của Mỹ là Chevron đã tăng thêm khoảng 10,8 tỷ USD trong năm 2015, tổng cộng tới 38,6 tỷ USD.
Dù hầu hết các tập đoàn dầu Mỹ cũng phải lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu để bù đắp phần nào ảnh hưởng từ việc giá dầu sụt giảm, nhưng với khả năng vay những khoản tiền lớn như thế này, đã giải thích phần nào tình trạng vì sao họ vẫn chi tiêu lớn hơn rất nhiều so với con số kiếm được.
PB cho biết tập đoàn này sẽ cắt giảm khoảng 3.000 việc làm vào năm 2017 và giảm đầu tư khoảng 6 tỷ USD so với năm 2014, nhưng trên thực tế tổng số tiền đầu tư của tập đoàn trong năm 2016 vẫn cao hơn nhiều so với mức lợi nhuận hơn 5 tỷ USD năm 2015, lên đến 17 tỷ USD.
Các tập đoàn khác cũng tương tự, Exxon Mobil sẽ cắt giảm chi phí khai thác xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, còn Statoil sẽ giảm khoảng 30% chi phí đầu tư trong năm nay.
Tuy nhiên, bất kể những khoản cắt giảm chi tiêu đó, sản lượng khai thác của các tập đoàn dầu lửa Mỹ là thứ duy nhất không bị cắt giảm, thậm chí có xu hướng tiếp tục tăng.
Dễ dàng nhận ra là các tập đoàn dầu Mỹ đang chơi tất tay, chấp nhận lỗ và phải đi vay nợ, để tiếp tục gia tăng sản lượng.
Philip Lawlor, nhà phân tích tại hãng Smith&Williamson cho biết, các tập đoàn dầu lửa Mỹ hy vọng tình trạng hiện tại sẽ được cải thiện trong khoảng 12 tháng tới,và khoảng thời gian này là không quá dài, vừa đủ để họ tiếp tục duy trì và gia tăng sản lượng, kể cả bằng cách vay nợ.
Theo thống kê, một phần lớn các khoản vay này đến từ việc các tập đoàn dầu lửa Mỹ phát hành thêm cổ phiếu; điều này thì đang được hưởng lợi từ việc tổng thống Barack Obama vừa ký sắc lệnh hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu từ năm 1975.
Sự kiện này cho thấy ngành năng lượng Mỹ giờ đây đủ khả năng để loại bỏ nguy cơ về an ninh năng lượng dù Mỹ vẫn đang phải nhập khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Động thái này đang làm gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư và người dân Mỹ vào triển vọng của ngành khai thác và xuất khẩu dầu lửa, dẫn đến việc cổ phiếu của các tập đoàn dầu tăng giá và được mua vào nhiều hơn.
Nó khiến cho các tập đoàn dầu Mỹ có thêm tiềm lực tài chính để duy trì sản lượng như hiện nay mà không rơi vào cảnh cắt giảm như Nga.
Việc các tập đoàn dầu lửa Mỹ có thể giữ vững sản lượng bất kể những khó khăn về tài chính do giá dầu sụt giảm nhờ việc phát hành cổ phiếu, có vẻ như đang là điều mà các đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên thị trường dầu như Nga và Ả Rập Saudi đang muốn học tập.
Không hẹn mà gặp, cả hai tập đoàn dầu quốc gia của Nga và Ả Rập Saudi là Rosneft và Aramco đều đang lên kế hoạch chào bán ra thị trường một khoản lớn cổ phiếu.
Nhưng tình hình thị trường ở hai nước này lại không thuận lợi như ở Mỹ, do người dân và nhà đầu tư ít có niềm tin vào thị trường và các tập đoàn dầu, trái ngược với tình hình dường như đang đầy khả quan ở ngành năng lượng của Mỹ.