Khi Mỹ muốn chiếu bí Iran trong cuộc chiến giá dầu với Nga và Saudi

Nhàn Đàm |

Ở thời điểm hiện tại, mọi điểm quy chiếu trong cuộc chiến giá dầu thế giới đều hội tụ về Iran, khi quốc gia này đang nắm giữ một vị thế có tầm quan trọng quyết định tới việc định đoạt thắng bại.

Ba tháng đầu năm 2016 chứng kiến sự hồi sinh của không ít các quốc gia, như Iran hay Cuba khi cả hai nước này đều đang trên đường thoát khỏi các lệnh cấm vận mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên từ nhiều năm nay; nhưng nó cũng chứng kiến một loạt các quốc gia đang dần rơi vào tình thế nguy hiểm, mà điển hình là Trung Quốc, Nga hay Ả Rập Saudi.

Đó là vì song song với cuộc chiến ở Syria hay cuộc chiến chống khủng bố, thì còn có một cuộc chiến khác cũng nóng bỏng không kém, đó là cuộc chiến giá dầu trên thị trường toàn cầu.

Và cuộc chiến này thì đang quy tụ đủ mặt các cường quốc như Mỹ, Nga và Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, nút thắt cho cuộc chiến đã kéo dài hơn 1 năm qua ở thời điểm hiện tại lại đang là Iran.

Mọi điểm quy chiếu trong cuộc chiến giá dầu thế giới đều hội tụ về Iran, khi quốc gia này đang nắm giữ một vị thế quan trọng quyết định tới việc định đoạt thắng bại.

Không phài ở yếu tố sản lượng khi mà Iran chỉ là nước đứng thứ 4 trong số các quốc gia thành viên của tổ chức xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC).

Hiện sản lượng khai thác của Iran chỉ ở mức trên 3 triệu thùng/ngày, kém xa so với nước láng giềng Iraq với sản lượng khoảng gấp gần hai lần con số đó; còn nếu so với các cường quốc hàng đầu thế giới về sản lượng như Mỹ, Ả Rập Saudi hay Nga, với sản lượng khoảng gần 10 triệu thùng/ngày thì khoảng cách còn xa hơn nhiều.

Tác động lớn nhất mà Iran có thể gây ra cho thị trường dầu thế giới về lý thuyết chỉ là tăng tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu, và qua đó khiến giá dầu giảm thêm một chút.

Tuy nhiên, Tehran đang đứng trước một cơ hội để lần đầu tiên trong lịch sử định đoạt kẻ thắng và nắm quyền chi phối trên thị trường dầu thế giới.

Đất nước vừa mới được dỡ bỏ các lệnh cấm vận này đang trở thành đối tượng mà các cường quốc dầu lửa trên thế giới đều muốn lôi kéo nếu như muốn giành phần thắng.

Hiện tại, các cường quốc trên thị trường dầu lửa thế giới đang chia làm 2 phe: phe thứ nhất bao gồm Nga và một số quốc gia chủ chốt của OPEC như Ả Rập Saudi, Qatar, Venezuela hay UAE; các quốc gia này đang bắt tay hợp tác trong việc tìm kiếm một thỏa thuận đóng băng sản lượng nhằm đẩy giá dầu lên cao trở lại do những khó khăn lớn về tài chính đang gặp phải vì giá dầu sụt giảm.

Phe thứ hai là Mỹ, về cơ bản đang tiếp tục thu lợi kể cả trong trường hợp kế hoạch đóng băng của phe thứ nhất có được tiến hành hay không, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn nếu như thỏa thuận Doha với mục tiêu đóng băng sản lượng mà Nga và Ả Rập Saudi ký kết không được thực hiện.

Và đó chính là lý do vì sao Iran lại đang có vị thế quan trọng như vậy. Cả hai phe đều đang muốn lôi kéo Iran về phía mình. Đối với phe thứ nhất, thỏa thuận đóng băng sản lượng ở Doha sẽ trở thành một mớ giấy lộn nếu như không có sự tham gia của Iran.

Còn phe thứ hai là Mỹ thì lại không muốn Iran tham gia thỏa thuận này. Có thể nói, cái gật hay lắc đầu của Iran đang đồng nghĩa với việc đẩy không ít các quốc gia rơi vào khó khăn.

Cả hai phe vì thế đều đang làm hết những gì có thể để lôi kéo Iran về phía mình.

Tổng thư ký OPEC là Abdalla Salem El-Badri tuyên bố rất hy vọng Iran sẽ tham gia vào thỏa thuận đóng băng sản lượng được ký kết ở Doha, một lời kêu gọi mang hàm ý OPEC sẵn sàng nhượng bộ Iran nếu nước này đồng ý tham gia thỏa thuận này.

Một quốc gia ngoài OPEC cũng tham gia thỏa thuận Doha là Nga thì sốt sắng với việc thuyết phục Iran gia nhập thỏa thuận, khi Bộ trưởng Năng lượng Nga là Alexander Novak đã bay tới Iran vào trung tuần tháng 3 vừa qua với hy vọng thuyết phục được Tehran.

Theo một số nguồn tin, Iran tuyên bố sẽ chỉ gia nhập thỏa thuận Doha sau khi nước này đã đạt được mức sản lượng 4 triệu thùng/ngày – tương đương với mức sản lượng trước thời điểm bị cấm vận kinh tế.

Yêu cầu này của Tehran là có thể hiểu được, khi Iran đã bị cấm vận quá lâu và đang cần tiền hơn bao giờ hết để khôi phục lại nền kinh tế sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, phe thứ hai là Mỹ thì lại không có ý định để mặc Nga và Ả Rập Saudi thuyết phục Iran tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng. Mỹ đang chọn một cách tiếp cận khác với Iran, không phải bằng thuyết phục như Nga và Ả Rập Saudi đang làm, mà là bằng sự ép buộc.

Theo đó, dù các lệnh cấm vận kinh tế với Iran đã được Mỹ và các nước châu Âu chính thức dỡ bỏ vào ngày 17.1 vừa qua, thì trên thực tế Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép lên kinh tế Iran bằng cách trì hoãn thi hành các quyết định bình thường hóa quan hệ với nước này.

Nhà lãnh đạo Iran là Ayatollah Ali Khamenei trong một bài phát biểu mới đây đã bực tức chỉ trích nước Mỹ đã cố tình trì hoãn thực hiện các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân được ký kết, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ kinh tế với Iran:

“Người Mỹ đã không thực hiện các lời hứa của họ trên thực tế, họ chỉ mới dỡ bỏ các lệnh cấm vận trên giấy mà thôi”.

Theo ông Khamenei thì Mỹ đang cản trở việc bình thường hóa quan hệ kinh tế với Iran thông qua các ngân hàng.

Theo đó, các ngân hàng Mỹ bị cấm thực hiện các giao dịch làm ăn với Iran, đồng thời yêu cầu các ngân hàng châu Âu không được tiến hành các giao dịch với Iran bằng đồng USD.

Việc cấm thực hiện các giao dịch với Iran bằng đồng tiền chủ chốt nhất trên thế giới đang khiến cho các quan hệ kinh tế của Iran với các nước châu Âu đang trì trệ hơn bao giờ hết.

Hầu như không một ngân hàng nào dám tiến hành giao dịch với Iran sau trường hợp Mỹ trừng phạt BNP Paribas khoản tiền lên tới 9 tỉ USD vào năm 2014 vì đã vi phạm các lệnh trừng phạt tài chính do Mỹ đặt ra.

Hệ quả là, dù trên danh nghĩa Iran đã bình thường hóa quan hệ kinh tế với Mỹ và EU được hơn 2 tháng, thì số giao dịch thương mại giữa hai bên vẫn rất ít ỏi.

Ngoài ra, nó còn đang khiến Iran chưa thể rút được khoản tiền tổng cộng lên đến gần 100 tỉ USD bị đóng băng trong các ngân hàng Mỹ và châu Âu do các ngân hàng bị cấm giao dịch với Iran.

Thậm chí, Iran đang buộc phải yêu cầu các đối tác mua dầu của mình thanh toán bằng đồng euro để giảm thiểu thiệt hại do Mỹ gây ra.

Việc Mỹ gây sức ép lên Iran thông qua hệ thống ngân hàng và tài chính đang có tác động nhất định đối với việc khiến Iran ngần ngừ gia nhập thỏa thuận Doha.

Đơn giản là vì khi Iran đang gặp khó khăn về kinh tế do Mỹ gây sức ép thì nước này sẽ phải tìm cách tăng cường sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu để bù đắp lại và sẽ từ chối thỏa thuận Doha.

Còn nếu như Mỹ thôi không gây sức ép lên Iran nữa, thì dòng vốn đầu tư và các giao dịch thương mại quốc tế vào Iran sẽ quay trở lại, nền kinh tế Iran sẽ dễ thở hơn và khiến nước này có thể cân nhắc tham gia thỏa thuận Doha để đạt được các lợi ích khác từ Nga và Ả Rập Saudi, mà đó lại là điều Mỹ không mong muốn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại