Kết quả bất ngờ khi tìm kiếm từ "Hồng Kông" trên mạng xã hội TQ

My Lan |

Thông tin chi tiết, hình ảnh về cuộc biểu tình ở Hồng Kông không xuất hiện trên các mặt báo Trung Quốc đại lục cũng như các trang mạng xã hội nước này.

Cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ của sinh viên và người dân Hồng Kông đã khiến trung tâm tài chính tại thành phố này bị tê liệt. Song, đài Phượng Hoàng (Hồng Kông) lại đăng tải một câu chuyện rất khác: khoảng 28 tổ chức xã hội dân sự, với vài nghìn người, đã tập trung tại công viên Tamar Park, bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của chính phủ trung ương Trung Quốc về tương lai chính trị của đặc khu hành chính này. Còn những hình ảnh về cuộc biểu tình rầm rộ đã bị bỏ qua.

Truyền thông tại Trung Quốc đại lục đã lên tiếng chỉ trích cuộc biểu tình ở Hồng Kông là "cuộc tụ họp bất hợp pháp" và thể hiện quan điểm ủng hộ những nỗ lực giải tán đám đông của chính quyền của ông Lương Chấn Anh, song không có bất cứ hình ảnh hay thông tin chi tiết nào về sự việc. Theo The Huffington Post, Thời báo Hoàn Cầu đã phải gỡ bài viết, trong đó nhắc tới khả năng Trung Quốc sẽ đưa cảnh sát quân đội tới đây nhằm "ngăn chặn bạo loạn".

TQ đe Mỹ: Hồng Kông này là Hồng Kông của Trung Quốc! TQ "đe" Mỹ: Hồng Kông này là Hồng Kông của Trung Quốc!

Sau khi Mỹ phát biểu thông cáo báo chí tỏ thái độ đối với các sự kiện tại Hồng Kông, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức có những lời đáp trả "cứng rắn".

Giới chức Trung Quốc cũng nỗ lực ngăn chặn sự lan toả các thông tin và hình ảnh về các buộc biểu tình ở Hồng Kông. Các nhà kiểm duyệt đã chặn trang chia sẻ ảnh Istagram sau khi trang này tràn lan các bức ảnh về cuộc biểu tình.

Báo Anh The Guardian cho hay, khi tìm kiếm các cụm từ "Chiếm Trung Tâm" và "biểu tình Hồng Kông" trên trang mạng xã hội Sina Weibo - trang blog cá nhân được ưa chuộng nhất Trung Quốc, kết quả chỉ cho ra những đường link và hình ảnh không tương thích với nội dung tìm kiếm. Trong khi đó, từ khoá "Hồng Kông" chỉ đưa đến các thông tin đánh giá nhà hàng và kinh nghiệm mua sắm.

Chuyên gia chính trị và lịch sử ở Bắc Kinh, ông Zhang Lifan cho rằng: "Giới chức Trung Quốc không muốn thấy nó (cuộc biểu tình ở Hồng Kông) lây lan tới đại lục. Điều này đã gây áp lực khủng khiếp cho Bắc Kinh - những người đang lo lắng về hiệu ứng domino".

China Daily bản tiếng Anh tố cáo: "Nhìn ra sự thất bại trong việc hô hào người dân ủng hộ mục đích của mình, những kẻ tổ chức Chiếm Trung Tâm đã tìm cách lợi dụng lý tưởng và sự nhiệt tình của sinh viên nhằm thúc đẩy tiến bộ dân chủ... Bằng cách cố tình đẩy sinh viên trẻ vào vòng nguy hiểm, những kẻ tổ chức Chiếm Trung Tâm đã nỗ lực trong vô vọng nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, thậm chí là đánh đổi cả sự an toàn của những người vô tội... những kẻ cực đoan chính trị ở thành phố này đã hoàn toàn bộc lộ bản chất cơ hội".

Tờ Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh nhận định "phong trào đường phổ" đã phá hủy hình ảnh của Hồng Kông, đồng thời cho rằng cảnh sát đã "kiềm chế khi xử trí với người biểu tình". "Là người Trung Quốc đại lục, chúng tôi cảm thấy buồn cho tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông hôm Chủ Nhật. Những lực lượng đối lập cực đoan ở Hồng Kông phải chịu trách nhiệm".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại