Hôm 21/8, phiến quân Syria tố cáo quân đội của ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công phiến quân ở vùng Ghouta – ngoại ô Thủ đô Damascus. Vụ tấn công này theo một thống kê chưa chính thức đã làm 1.300 người chết, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em.
Dư luận thế giới đã bị sốc trước cuộc tấn công này. Đồng thời, các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Đức, Pháp… đã nổi giận và yêu cầu ngay lập tức có một cuộc họp khẩn của Liên Hợp Quốc về việc này. Chưa kể, Mỹ và Anh đã cho rằng cuộc tấn công này vượt qua “giới hạn đỏ” và hai nước đã tính đến một kế hoạch trực tiếp tham chiến để trừng phạt Assad.
Tuy nhiên, phía Damascus đã bác bỏ hoàn toàn thông tin trên. Một quan chức cao cấp trong quân đội Syria phát biểu qua kênh truyền thông SANA: “Chúng tôi có tấn công Ghouta, nhưng không sử dụng vũ khí hóa học. Chúng tôi đang chiến thắng và đánh bật những phiến quân cuối cùng khỏi Damascus. Và không dại gì khi sử dụng vũ khí hóa học trước mũi của thanh sát viên LHQ”.
Các thanh sát viên LHQ đã có mặt ở Syria từ hôm 18/8 và bắt đầu điều tra để làm sáng tỏ những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của cả hai bên phiến quân từ ngày 19/8.
Đáp lại Damascus, đại diện của Ủy ban hỗ trợ cuộc cách mạng Syria tại Nga Mahmoud al-Hamza đã lên tiếng khẳng định với phóng viên tờ "Kommersant" (Nga) rằng, Tổng thống Syria đã chọn đúng thời điểm sử dụng vũ khí hóa học khi đoàn thanh tra vũ khí của LHQ đến Syria, với mục đích đẩy mọi trách nhiệm cho phe đối lập.
“Ông ta nghĩ rằng sử dụng vũ khí hóa học vào thời điểm này sẽ an toàn và mọi nghi vấn đều đổ dồn về phía chúng tôi. Assad đang sử dụng thanh sát viên như một lá chắn cho những hành động ghê tởm của mình”.
Trong khi đó, Moscow đã phát đi nhận định chính thức của mình về vụ việc này. Theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Liên bang Nga ông Alexander Lukashevich, đây là một hành động khiêu khích được hậu thuẫn.
Mục tiêu của nó là “ bằng mọi giá tạo cớ để đòi hỏi Hội đồng bảo an đứng về phía phe đối lập, đồng thời phá hoại khả năng các cơ hội tổ chức và triệu tập đến hội nghị tại Geneve".
Nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh vấn đề: tên lửa chứa vũ khí hóa học được phóng từ vùng kiểm soát của phiến quân.
Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm an ninh quốc tế IMEMO, ông Vladimir Sotnikovl nhận định: “Về phía phe đối lập, họ đang chờ đợi quyết định viện trợ từ phía chính phủ Mỹ, sẽ không dại gì họ gây thêm những hành động mang tính khủng bố để những gói viện trợ này ngày càng xa tầm tay.
Ngoài ra, về phía Damascus, quân đội của họ cũng không có lý do để sử dụng vũ khí hóa học. Thứ nhất, quân đội Syria đang giữ thế thắng trên chiến trường, đặc biệt ở vùng Damascus.
Thứ hai, thanh sát LHQ đang ở đây, nếu bị phát giác sử dụng vũ khí hóa học, chế độ của ông Assad sẽ đứng trước nguy cơ phải đối mặt với sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh. Đây là lý do quan trọng nhất khiến Assad phải suy nghĩ.”
Vậy, ai là kẻ đã sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/8 vừa qua khi cả hai phe chính phủ và phiến quân đều có lý do để không sử dụng?
Chuyên gia Sotnikov cho rằng, trong sự đan xen chằng chéo của các sự kiện và các mối lợi ích. Có một thế lực thứ ba không muốn để Syria được yên ổn. Hãy nhớ rằng, phía Bắc nước này vẫn còn cộng đồng người Kurd đang đấu tranh đòi quyền tự trị. Khi sức mạnh của họ chưa được củng cố thì việc cuộc nội chiến kết thúc sớm sẽ chỉ mang lại bất lợi.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan hay khủng bố đang cát cứ nhiều nơi trên lãnh thổ Syria cũng không mong muốn sự ổn định được lập lại trên đất nước này.
Thời gian qua, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản về Syria, trong đó, nếu Mỹ tấn công Assad thì hậu quả để lại cũng là một Syria mâu thuẫn sắc tộc và không thể hàn gắn những vết rạn nứt từ nội chiến. Ngoài ra, lực lượng khủng bố sẽ bám rễ từ chính những bất ổn đó.
Rất có thể, cả phiến quân và quân đội Damascus chỉ là những diễn viên bất đắc dĩ cho một vở kịch tinh vi được dàn dựng bởi một bàn tay ma quỷ.
Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã phải thừa nhận: "Syria ngày nay không phải là lựa chọn giữa hai bên mà thay vào đó là sự chọn một trong số nhiều bên. Bên mà chúng tôi lựa chọn phải sẵn sàng thúc đẩy lợi ích của họ cũng như lợi ích của Mỹ khi thế cân bằng chuyển sang thế có lợi cho họ”.