Các con đường ở TP Ferguson, hạt St. Louis, bang Missouri - Mỹ đêm 26-11 gần như yên tĩnh trở lại sau 2 đêm chìm trong bạo động liên quan đến quyết định không truy tố hình sự viên cảnh sát Darren Wilson - người bắn chết thiếu niên da đen Michael Brown .
Luật sư của cảnh sát Wilson cho biết thân chủ mình sẽ rời Sở Cảnh sát Ferguson và không có ý định tiếp tục làm công việc này. Hơn 400 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối trên khắp nước Mỹ mấy ngày qua.
Trong khi đó, theo Reuters, giới chức TP Cleveland, bang Ohio hôm 26-11 đã công bố đoạn video vụ cảnh sát bắn chết Tamir E. Rice khi cậu bé 12 tuổi này chĩa khẩu súng giả vào người đi lại trong công viên 3 ngày trước.
Điều khiến dư luận chú ý là cảnh sát đã bắn chết Rice chỉ trong vòng 2 giây sau khi đến hiện trường và cậu bé cũng là người gốc Phi, giống như Brown.
Lợi dụng tình trạng căng thẳng ở Mỹ thời gian qua, các phần tử Hồi giáo cực đoan khắp thế giới đã lên mạng xã hội Twitter kêu gọi những người bất bình ở Mỹ, nhất là dân gốc Phi, tham gia thánh chiến.
Họ cũng thúc giục một “cuộc cách mạng” chống lại chính phủ Mỹ với lập luận người da màu sẽ hưởng lợi nếu chịu sống dưới đế chế Hồi giáo mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng muốn thành lập.
“Hãy đứng lên chống lại chế độ chuyên chế và tự vũ trang chống lại bọn khủng bố đích thực là chính phủ Mỹ” - Israfil Yilmaz, chiến binh thánh chiến người Hà Lan ở Syria, viết.
Khuyến khích người Mỹ gốc Phi đến “vương quốc” của IS ở Syria và Iraq, một người tên Abu Dhar Al Amirki viết: “Ở nhà nước Hồi giáo không có phân biệt chủng tộc, không có sự khác biệt giữa người da trắng và da đen”.
Người khác tên Abu Hamza As Somaal bồi thêm: “Cộng đồng da đen của tôi biết rằng thánh chiến là điều duy nhất đem lại công lý, sự tôn trọng và danh dự”.
Công ty Tình báo SITE (Mỹ) nhấn mạnh những thông điệp này xuất hiện ồ ạt ngay sau phán quyết của bồi thẩm đoàn.
SITE nhận định: “Họ đánh giá quyết định này là kết quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ, đồng thời tuyên truyền thánh chiến và cách mạng là những phản ứng đúng đắn.
Một số người ủng hộ thánh chiến còn công khai thừa nhận IS đang lợi dụng vụ việc ở Ferguson để tuyển mộ thành viên”.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến IS, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo cuộc xung đột ở Iraq đe dọa việc sản xuất dầu trong tương lai.
Phát biểu với báo The Financial Times, kinh tế gia trưởng Fatih Birol của IEA nhấn mạnh sự trỗi dậy của IS khiến cơ quan này phải đánh giá lại nguồn cung cấp dầu thô bởi IS đang cản trở việc đầu tư vào hoạt động sản xuất dầu.
“Trước đây, khi đề cập dầu mỏ, chúng ta nói đến giá cả, nguồn cung cấp, nhu cầu và sự tăng trưởng kinh tế. Còn bây giờ, một tham số mới đã xuất hiện trên các thị trường dầu thế giới: Đó là IS ” - ông Fatih Birol nhận định.
Người gốc Việt bị đốt nhà ở Ferguson
Một cơ sở kinh doanh của người gốc Việt bị thiêu rụi trong vụ bạo động ở Ferguson, “gây thiệt hại hàng trăm ngàn USD”.
Ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở hạt St. Louis, xác nhận thông tin này với đài VOA hôm 26-11.
“Người này cũng là chủ cả tòa nhà đó. Ước tính thiệt hại có thể lên tới 500.000 USD nhưng thiệt hại lớn nhất đối với doanh nghiệp là bị giảm thu nhập. Từ khi sự việc này xảy ra, việc kinh doanh của họ rất chậm, hầu như không buôn bán được gì” - ông Cường cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Phong, một doanh nhân người Việt ở St. Louis, nhận định tình hình “căng thẳng lắm”. “
Những người xấu lợi dụng các cuộc biểu tình để đập phá và đốt nhiều cửa hàng. Người Việt ở đây cũng bị ảnh hưởng lớn. Nhiều người bị đốt cháy cửa hiệu. Mấy ngày nay không ai dám mở cửa” - ông Phong kể.