Sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố hùng mạnh nhất thế giới
Sau khi dần bị đánh bại bởi chiến lược tăng quân của Mỹ ở Iraq và buộc phải đổi tên, giờ đây, ISIS đã chớp lấy thời cơ để trỗi dậy. Thời cơ này đến nhờ vào 2 yếu tố: Thứ nhất là việc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, thứ 2 là cuộc nội chiến tại Syria đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, cho phép tổ chức này kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria.
Từ Syria, ISIS quay trở lại chiếm các thành phố trong khu vực người Sunni ở Iraq như Falluja, Mosul, Tirkit. Trong đó việc chiếm được Mosul là một thành công chiến lược của ISIS tại thời điểm này, bởi nó giúp ISIS kiểm soát nhiều mỏ dầu ở vùng Salahuddin, phía bắc Baghdad. Việc chiếm được 420 triệu USD từ các ngân hàng ở Mosul cũng đủ để biến ISIS thành tổ chức khủng bố có nguồn lực tài chính hùng mạnh nhất thế giới.
Mục tiêu cuối cùng của ISIS là thành lập một quốc gia Hồi giáo Sunni tại những vùng lãnh thổ mà mình chiếm được, giống như đế quốc Hồi giáo trong quá khứ. Và tất nhiên là những người theo tôn giáo khác, kể cả Hồi giáo phái Shia, sẽ phải cải đạo hoặc bị loại bỏ.
Tại những khu vực bị chiếm, ISIS đã ngay lập tức áp dụng luật Sharia hà khắc. Sự tàn bạo của ISIS nhanh chóng được thể hiện rõ. Tại Mosul, ít nhất 1.700 người đã bị hành quyết tập thể, theo xác nhận từ chính quyền Iraq. Tại Tikrit cũng xảy ra những vụ hành quyết tương tự. Chính ISIS đã cho công bố nhiều bức ảnh về những vụ hành quyết này.
Cơ hội "vàng" cho người Kurd
Chiếm Mosul và Tikrit cũng đồng nghĩa với việc ISIS đang trực tiếp đe dọa đến khu vực tự trị của người Kurd.
Đối với người Kurd, những người luôn mong muốn có 1 quốc gia riêng, hay ít nhất là một quyền tự trị rộng rãi hơn, thì tình hình hiện nay có thể lại là một món quà, một cơ hội hiếm có.
Việc ở lại và phòng thủ Kirkuk, một trung tâm công nghiệp dầu mỏ Iraq, thay vì bỏ chạy như quân đội Iraq, càng giúp củng cố quyền lực của họ tại địa bàn chiến lược này. Khu tự trị người Kurd cũng trở thành một nơi an toàn cho dòng người tị nạn trốn chạy ISIS.
Trong lúc các lực lượng quân đội Iraq tháo chạy, thì chính quyền vùng tự trị người Kurd ở Iraq (KRG) đã nhanh chóng đưa lực lượng quân sự của mình là Peshmerga đến tiếp quản các vị trí bị bỏ ngỏ, bao gồm cả thành phố chiến lược Kirkuk. Peshmerga, có nghĩa là "những người đối mặt với cái chết", nổi tiếng vì kinh nghiệm tác chiến du kích và tinh thần chiến đấu không khoan nhượng.
Nhiều người dân tại Baghdad, lo sợ trước viễn cảnh thành phố thất thủ, đã kêu gọi chính phủ đưa lực lượng Peshmerga đến để bảo vệ thủ đô. Ông Abbas Mohsen, một cư dân Baghdad, nói: “Người Kurd cũng là một phần của Iraq. Họ có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền trung ương chống lại khủng bố và ổn định đất nước.”
Tuy nhiên dường như những người Kurd lại không chia sẻ quan điểm này. Tại Kirkuk, sau một số vụ đụng độ ban đầu mà trong đó lực lượng Peshmerga đẩy lùi ISIS, tình hình tương đối lắng dịu. ISIS giờ chỉ tập trung vào mục tiêu Baghdad và dường như không có ý định tiến sâu vào vùng tự trị của người Kurd. Ngược lại, Peshmerga cũng không có ý định tiến vào những vùng đang bị ISIS chiếm giữ.
Người Kurd không thấy mình phải có nghĩa vụ đổ máu để bảo vệ người Ả rập dòng Shia khỏi những người Ả rập khác theo dòng Sunni. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ lãnh thổ của chính mình, chứ không phải chính quyền trung ương ở Baghdad.
Đã có những trường hợp, sau khi quân Peshmerga tiếp quản những vị trí bị quân đội quốc gia Iraq bỏ ngỏ, một số đơn vị đặc nhiệm Iraq quay lại với nhiệm vụ tái chiếm các vị trí đó. Tuy nhiên những người Kurd từ chối chuyển giao lại, và đã xảy ra nổ súng giữa 2 bên.
Thủ tướng chỉ còn có thể kêu gọi tình nguyện viên
Iraq đang đối mặt với nguy cơ bị phân rã thành 3 quốc gia riêng biệt: người Kurd ở phía đông bắc, người Ả rập hệ phái Sunni ở phía bắc và người Ả rập hệ phái Shia ở phía nam. Ngay cả nếu điều đó không xảy ra thì chính quyền trung ương ở Baghdad cũng sẽ mất nhiều quyền lực.
Tình hình hiện nay tồi tệ đến mức một quan chức tình báo Mỹ đã phát biểu: “Baghdad sắp sụp đổ".
Trong quá trình tiến quân, ISIS gần như không gặp sự kháng cự đáng kể nào. Quân đội Iraq chỉ đơn giản là tan rã và tháo chạy, bỏ lại rất nhiều trang thiết bị, trong đó, theo xác nhận của Bộ quốc phòng Iraq, còn bao gồm cả 1 trực thăng Black Hawk.
Việc ISIS có thể tiến quân thần tốc trong lúc quân đội Iraq tan rã nhanh chóng có thể đến từ 2 nhân tố chính. Những khu vực bị ISIS chiếm là nơi có đa số người Sunni sinh sống, những người cảm thấy mình bị đối xử bất công bởi chính quyền trung ương với đa số là người Shia. Tương tự, quân đội Iraq, với đa số là người Shia, không cảm thấy có nghĩa vụ phải chiến đấu cho vùng đất của người Sunni.
Tất nhiên tình hình sẽ thay đổi nếu ISIS tiến sâu vào những khu vực còn lại của Iraq, nơi có đa số người Shia sinh sống. Người Sunni dù sao cũng chỉ là thiểu số ở Iraq, chiếm tỷ lệ dưới 30% dân số. Ngay cả khi quân đội Iraq hoàn toàn tan rã, ISIS vẫn sẽ phải đối mặt với những nhóm vũ trang của người Shia.
Tất cả những gì Thủ tướng Maliki có thể làm hiện nay là kêu gọi tình nguyện viên tham gia chiến đấu bảo vệ khu vực mình đang sinh sống.
Ước tính hiện đã có hơn 150.000 quân tình nguyện. Và cũng dễ hiểu khi đa số trong đó là người theo phái Shia.
Tối ngày 13/6, đặc nhiệm Iraq, dưới sự yểm trợ của pháo binh đã tổ chức một cuộc phản công lớn, tiêu diệt 200 xe cơ giới của ISIS đang di chuyển gần thành phố Samarra, cách Baghdad 120km, một trong những địa điểm hành hương của dòng Hồi giáo Shia.
ISIS là chữ viết tắt của ‘Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria’. Mới chỉ ra đời vài năm nhưng ISIS đã nhanh chóng trở thành tổ chức khủng bố số 1 thế giới, kiểm soát một lãnh thổ rộng hàng nghìn km2 kéo dài từ bờ Địa Trung Hải ở Syria đến gần thủ đô Baghdad của Iraq.
ISIS có nguồn gốc từ AQI, nhánh Al-Qaeda tại Iraq. AQI là lực lượng chính đằng sau làn sóng bạo lực khủng khiếp tại Iraq trong khoảng từ 2005 - 2007, gây thiệt hại nặng nề cho cả lực lượng Mỹ và dân thường Iraq. AQl theo hệ phái Sunni, lợi dụng sự mâu thuẫn giữa cộng đồng người Sunni thiểu số ở Iraq và chính quyền gồm đa số người theo hệ phái Shia để kích động bạo lực. Sự tàn bạo của AQl khiến đa số người dân Iraq, bao gồm cả những người Sunni ôn hòa, xem như kẻ thù.
Sau cái chết của Abu Musab al-Zarqawi, AQI đổi tên thành ISI, ‘Nhà nước Hồi giáo Iraq’ và sau này đổi tên thành ISIS.
Xem thêm Video: Tuyến đầu của cuộc chiến chống lại quân nổi dậy ở Iraq
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA