Tháng trước, ông Joko Widodo đã được Ủy ban bầu cử quốc gia Indonesia tuyên bố là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở nền dân chủ lớn thứ ba thế giới. Ông Widodo trước kia là một doanh nhân làm trong ngành nội thất xuất khẩu và nổi tiếng với biệt danh Jokowi. Ông giành được nhiều sự ủng hộ nhờ vào phong cách chân thành cũng như những thành tích chính trị nổi bật ở vai trò thị trưởng thủ đô Jakarta, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Indonesia không xuất thân từ giới chính trị hay quân sự cấp cao.
Trong khi đó ông Prabowo là một nhân vật đầy ảnh hưởng trong giới quân sự với nhiều mối liên hệ với chế độ độc tài Suharto. Sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-7, ông Prabowo cũng tuyên bố thắng cử, khiến người dân Indonesia phải đợi thêm hai tuần kiểm phiếu lại, mà kết quả theo Ủy ban bầu cử quốc gia đã xác nhận chiến thắng là của ông Widodo. Tuy nhiên, ông Prabowo không chấp nhận kết quả đó, cáo buộc cuộc bầu cử diễn ra với nhiều sai phạm trong quá trình kiểm phiếu.
Nhóm vận động tranh cử của ông Prabowo vì thế đã đệ đơn kiện lên tòa án hiến pháp. Đơn kiện nói ông Prabowo mới là người chiến thắng và tình trạng gian lận đã xảy ra ở khoảng 52.000 điểm bỏ phiếu, ảnh hưởng tới 21 triệu phiếu. Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã được triển khai ở trụ sở tòa án hiến pháp tại Jakarta cho phiên điều trần sơ bộ vào sáng nay, 6-8.
Chín thẩm phán của tòa hiến pháp sẽ quyết định các tài liệu do nhóm tranh cử của ông Prabowo đệ trình là đầy đủ hay chưa và thời hạn chót để tòa ra phán quyết là ngày 21-8. Phán quyết của tòa sẽ là cuối cùng, không thể kháng án.
Các nhà phân tích nói đơn kiện của phía ông Prabowo nhiều khả năng sẽ bị bác. Ông Widodo đã được tuyên bố thắng cử với khoảng cách sáu điểm phần trăm, tức nhiều hơn đối thủ hơn 8 triệu phiếu.
“Rất khó thành công”, Tobias Basuki, một nhà phân tích ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế đặt trụ sở tại Jakarta, nói với AFP về triển vọng thắng cử của phe Prabowo.
Ứng viên thất cử trong cả hai cuộc bầu cử tổng thống trước đó ở Indonesia từ năm 1998 đều đã kiện phản đối kết quả lên tòa hiến pháp, nhưng cả hai lần đều bị bác đơn.