Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kỉ niệm 1 năm quay trở lại nhiệm sở vào ngày 26/12 bằng cách tới thăm đền Yasukuni. Trong suốt 1 năm đó, ông Abe đã có nhiều động thái thể hiện ông muốn cải chính "lời xin lỗi chân thành" và "hối hận sâu sắc" đối với cuộc "xâm lược" của Nhật Bản" mà cựu Thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama đưa ra năm 1995.
Ông Abe nói rằng ông muốn có một tuyên bố "hướng về phía trước" hơn nữa và không đồng tình với từ "xâm lược". Ông Abe cũng lên án toà án Tokyo về việc kết án 14 nhân vật trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai là tội phạm chiến tranh loại A vì theo luật pháp Nhật Bản, những người này không hề phạm tội.
Trong bài phân tích đăng tải trên tờ SBS (Úc), ông Hamish McDonald, học giả tại Khoa châu Á - Thái Bình Dương (Đại học quốc gia Úc), học giả nghiên cứu chính sách công tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ) cho rằng không chỉ Trung Quốc, mà ngay cả Nhật Bản cũng không đang muốn hạn chế sự có mặt của Mỹ trong vấn đề trật tự an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông này, chuyến thăm của ông Abe tới đền Yasukuni khiến cho các chuyên gia quốc tế bất ngờ, bởi họ vẫn cho rằng việc này sẽ xảy ra rất lâu sau nhiệm kì của ông Abe. Chính phủ Mỹ cũng bày tỏ sự thất vọng của mình và lên tiếng công khai chỉ trích.
Trong một cuộc hội đàm tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), cựu thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn về Đông Á Kurt Campbell nhận định: "Tôi không tin rằng chuyến thăm này có thể giúp ích cho chính sách đối ngoại của Mỹ... Nó đã đặt chúng tôi vào một tình thế khó khăn".
Theo ông McDonald, giới chức Washington giật mình vì ông Abe đã khuấy lại những bức xúc về lịch sử, không chỉ của Trung Quốc mà còn của Hàn Quốc, một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, ngay trong thời điểm họ đang muốn gây áp lực quốc tế với Bắc Kinh nhằm ép quốc gia này phải kiềm chế đối với những phương sách đầy quyết liệt trong việc tuyên bố chủ quyền.
Trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2014 mới được công bố hồi tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã nhấn mạnh mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ, song học giả McDonald đánh giá, việc ông Abe xem xét lại thời chiến và công khai thể hiện mong muốn sửa đổi Điều 9 trong bản Hiến pháp Hoà bình (quy định người Nhật không dùng gây chiến để bảo vệ lãnh thổ và giải quyết tranh chấp quốc tế) cho thấy sự khao khát được thoát khỏi vòng tay của Mỹ.
Trong khi đó, ông McDonald nhận định, ông Tập Cận Bình, trong vai trò là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, đã gây ấn tượng bởi tinh thần sẵn sàng" làm căng" trong chiến dịch giành lại đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, thúc đẩy tuyên bố chủ quyền, sở hữu các nguồn tài nguyên trong một khu vực rộng lớn ở biển Đông.
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp với Nhật Bản và chồng lấn một phần lên vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản, Hàn Quốc. Hồi tháng 1, tỉnh Hải Nam lại ngang nhiên ban hành lệnh cấm các tàu nước ngoài đánh cá trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Học giả McDonald nhận định, phản ứng quyết liệt của Trung Quốc đối với việc các nhà hoạt động Nhật Bản cắm cờ trên đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hay với các hoạt động đánh cá, khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp ở biển Đông có thể coi như một phép thử sự sẵn sàng của Washington trong việc bảo vệ chiến lược xoay trục hay tái cân bằng ở châu Á mà Tổng thống Mỹ Obama công bố năm 2011.
Tuy vậy, trên thực tế, trong suốt 2 thập kỉ qua, Mỹ cũng đã cố gắng để thiết lập những quy tắc mang tính ràng buộc trên các vùng biển này, song vẫn không thành công bởi Trung Quốc vẫn chần chừ và không muốn Mỹ can thiệp. Vị học giả này đánh giá, chiến lược trục châu Á của ông Obama dường như đang suy yếu khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang tập trung vào khu vực Trung Đông và dường như có phần "lơ là" châu Á.