Học giả Trung Quốc: Cách làm của ông Kim Jong Un hợp lý ở Triều Tiên
Trên chuyên trang dành cho các nhà nghiên cứu của trang Phượng Hoàng (Trung Quốc), nhà phân tích Quách Thiếu Anh mới đây đã có bài bình luận về "ván cờ" của nhà lãnh đạo Triều Tiên, tiêu đề "Kim Jong Un: Lãnh đạo 8x chìm đắm trong trò chơi lỗi thời, sẽ xử lý cuộc chơi như thế nào?"
Ông Quách chỉ ra, trên các phương tiện truyền thông của Triều Tiên, "nhà lãnh đạo" luôn luôn là đề tài cốt lõi, chiếm trọng tâm của mọi thông tin đăng tải.
Tại nước này, các sự kiện quan trọng "chỉ đăng tin vài lần là không đủ, mà phải nói hàng ngày, đến hàng vạn lần", và do đó, sự ổn định trong nước được thể hiện đậm nét qua tần suất các sự kiện, nhân vật mà báo chí nước Triều Tiên đăng tải.
Trong 3 tháng đầu năm 2016, báo chí Triều Tiên không ngừng đăng tải các báo cáo liên quan tới ông Kim Jong Un và các hoạt động mà ông tham gia.
Tuyên bố thử nghiệm thành bông bom khinh khí, phóng tên lửa mang vệ tinh, tập trận bắn pháo, tập trận đổ bộ, phóng tên lửa đạn đạo, chỉ đạo thử nghiệm động cơ tên lửa đẩy... là minh chứng những động thái của Triều Tiên mà quốc tế đánh giá là "khiêu khích nhất" đều diễn ra trong 3 tháng qua.
Tờ Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên ngày 25/3 đưa tin, ông Kim đã thị sát cuộc tập trận pháo binh lớn nhất từ trước đến nay của các lực lượng quân đội Triều Tiên, với tình huống giả tưởng "nhấn chìm phủ Tổng thống Hàn Quốc trong biển lửa".
Ông Kim khen ngợi: "Bắn pháo rất xuất sắc, vô cùng chính xác."
Trước đó một ngày, Rodong Sinmun hôm 24/3 ông Kim đã chỉ đạo thửa nghiệm động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và vỗ tay ca ngợi: "Rất giỏi. Cảm giác thật sảng khoái."
Theo ông Quách, các cuộc thị sát trong 2 ngày 24, 25/3 của ông Kim Jong Un đã được tính toán kỹ lưỡng.
Động thái tập trận bắn pháo cỡ lớn là đòn tâm lý chiến nhằm vào chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Park Geun Hye, khẳng định mối đe dọa trực tiếp từ pháo cỡ lớn của Triều Tiên ở phía Bắc vĩ tuyến 38 đối với Seoul.
Trong 2 ngày 24, 25, các diễn biến ở Bình Nhưỡng cho thấy chính quyền Triều Tiên muốn nhấn mạnh mục tiêu "san bằng Seoul" nếu chiến tranh tái bùng phát, cũng như quyết tâm tiến hành tấn công hạt nhân.
Đặc biệt, thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng thời gian qua còn nhằm ổn định tình hình nội bộ nước này, trước thềm Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.
"Vừa đối diện với cục diện căng thẳng leo thang trước hàng loạt biện pháp trừng phạt của LHQ, Mỹ, Hàn Quốc, vừa chuẩn bị môi trường chính trị trong nước cho sự kiện lớn vào tháng 5, Kim Jong Un đang thể hiện được năng lực tốt.
Có thể nói nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tỏ ra lão luyện hơn cả các bậc tiền bối của nước này," ông Quách viết.
Kim Jong Un chỉ đạo cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn hôm 24/3. (Ảnh: dfic.cn)
Có quan điểm trong dư luận Trung Quốc cho rằng Bình Nhưỡng nên "ngả" hoàn toàn về Bắc Kinh và tiếp nhận "ô bảo hộ hạt nhân" của Trung Quốc, thậm chí có thể tiến hành cải cách mở cửa dưới sự bảo hộ của Nga, Trung.
Theo Quách Thiếu Anh, quan điểm trên "theo cách nói của người Triều Tiên, là sự xúc phạm phẩm giá tối cao của Triều Tiên", bởi quan niệm xuyên suốt sự lãnh đạo của gia tộc họ Kim vẫn là thoát khỏi tầm kiểm soát của Bắc Kinh.
Ông Quách đánh giá: "Kim Jong Un đã thực hiện một cách hợp lý vai trò của mình, ông ta chỉ sai bởi thời đại này. Ông Kim cũng đã có những bước đi đáng nể, chỉ có điều các nước xung quanh Triều Tiên không ai 'vỗ tay' cả!"
Bộ thống nhất Hàn Quốc hôm 24/3 công bố số liệu cho thấy, từ đầu năm 2016 đến 18/3, nhà lãnh đạo họ Kim đã lộ diện công khai 26 lần, trong đó 62% là xuất hiện tại các cuộc thị sát quân sự.
Đặc biệt trong tháng 2, tháng mà Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất, hoạt động thị sát quân sự của Kim Jong Un chiếm 78% lịch trình của ông.
Sai lầm của Kim Jong Un ở đâu?
Quách Thiếu Anh, sai lầm đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến từ sự phụ thuộc vào mô hình cũ.
Học giả này cho rằng, chiến lược "bên bờ vực" của Triều Tiên qua các thời kỳ lãnh đạo của Kim Nhật Thành và Kim Jong Il đã thành công, nhưng đến thời Kim Jong Un cầm quyền thì tình hình đã khác.
"Hai thời kỳ lãnh đạo trước, Triều Tiên có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc, có cục diện bế tắc của thế giới giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Nhưng hiện nay Bình Nhưỡng không có 'hậu phương', cũng không có thuận lợi về cục diện quốc tế."
Ông Kim quan sát cuộc tập trận ngày 25/3 qua ống nhòm. (Ảnh: dfic.cn)
Thứ hai, Quách đánh giá Kim Jong Un sai lầm khi thi hành chính sách "bế quan tỏa cảng" cực đoan.
Trong 3 thập kỷ qua, biến đổi lớn nhất của thế giới chính là xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, sự phổ biến của công nghệ thông tin và mạng Internet, tạo nên một môi trường quốc tế mà nhân khẩu, tài nguyên, tin tức... đều lưu động.
"Logic của thời đại này là: Hòa bình hơn bạo lực; hợp tác hơn đối lập; mở cửa hơn phong tỏa. Lý thuyết này đã được cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc 30 năm trước chứng minh."
Thứ ba, ông Kim đã không thành công trong việc sửa chữa sai lầm, nhà nghiên cứu người Trung Quốc nhận định.
Theo Quách Thiếu Anh: "Trong tương lai, ông Kim Jong Un nhiều khả năng bị cô lập. Ông không có các nhân vật đủ tầm để tạo ra sự thay đổi. Hệ thống chính trị của ông Kim cũng khó sửa chữa những sai sót mà nó có thể mắc phải.
Vì vậy, Kim Jong Un không còn cách nào khác ngoài việc 'luôn luôn đúng đắn, luôn luôn đứng đầu'.
Chỉ cần có một sai lầm trong cầm quyền bị công khai hoặc bị chính phủ Triều Tiên thừa nhận, đó sẽ là kết thúc cho nhà lãnh đạo này."