Học giả Trung Quốc: Nhiều nước muốn dùng COC 'trói chân' Bắc Kinh trên Biển Đông

Bảo An |

(Soha.vn) - Xu Liping, một nhà nghiên cứu về ASEAN của Viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định một số quốc gia trong khu vực mong muốn COC sẽ hạn chế các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh và các nước thành viên ASEAN đã vài lần thảo luận về COC, nhưng quá trình này đã thất bại do can thiệp từ những bên nhất định (?!).

Mặc dù tuyên bố của ông Vương về việc không nên vội vàng 'ký một thỏa thuận trên Biển Đông' và các bên liên quan 'không nên có những kỳ vọng không thực tế' bị dư luận quốc tế đánh giá là một biện pháp câu giờ nhằm rút củi đáy nồi, nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra những lý lẽ sai trái để bảo vệ tuyên bố này.

Chen Qinghong, một nhà nghiên cứu về Philippines thuộc Viện nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không từ chối đẩy nhanh quá trình ký COC. Trung Quốc luôn cho thấy sự thành thật về vấn đề COC. Theo ông Chen, chính những quốc gia như Philippines đã vi phạm tinh thần của DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, một nền tảng quan trọng để các bên thảo luận về COC).

Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị.

“Những quốc gia này mong muốn ký kết COC bởi vì họ muốn thỏa thuận này sẽ hạn chế Bắc Kinh và củng cố vị thế của họ khi đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ”, ông Chen trắng trợn kết luận.

Bằng giọng điệu 'ngụy quân tử', học giả này cho rằng mục tiêu của khu vực là ký kết COC nhằm giảm tối đa nguy cơ căng thẳng từ các tranh chấp trên Biển Đông và COC không nên trở thành một công cụ để phục vụ lợi ích của bất cứ quốc gia nào.

Cùng luận điệu với Chen, Xu Liping, một nhà nghiên cứu về ASEAN của Viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định một số quốc gia trong khu vực mong muốn COC sẽ hạn chế các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông Xu cũng cho biết các cường quốc bên ngoài khu vực đang can thiệp vào quá trình thảo luận về COC và 'khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn dưới chiêu bài tự do trên biển'.

Trong một tuyên bố gây ra rất nhiều phản ứng phê phán từ các bên liên quan, ông Vương Nghị cho rằng một số quốc gia hy vọng COC có thể được ký sau một đêm, bởi vì những quốc gia này có những mong muốn không thực tế. COC liên quan tới lợi ích của rất nhiều bên và yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề.

Ngoại trưởng Trung Quốc đề nghị cần tiếp cận từng bước với COC trước khi đề ra một thỏa thuận cuối cùng. Ông Vương Nghị cho rằng không nên thay thế DOC bằng COC và nhấn nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện này là thực hiện DOC, đặc biệt là những điều khoản về hợp tác hàng hải.

Trong quá trình thực hiện DOC Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN có thể thống nhất một lộ trình cho COC và giải quyết từng bước. Ông Vương Nghị cho rằng Bắc Kinh luôn giữ quan điểm không nên vội vàng để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Giới quan sát quốc tế nhận định, thực chất, những tuyên bố này không có gì mới mẻ, cũng chẳng có ý nghĩa xây dựng như vẻ bề ngoài của câu từ. Đằng sau nó là một kế hoạch trì hoãn nhằm có thêm thời gian để tăng cường các hoạt động ngoại giao, quân sự để giành lợi thế để hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại