Tàu Trung Quốc tại biển Đông (Ảnh minh họa).
Tờ này dẫn lời ông Rommel Banloi, một học giả Philippines chuyên về các vấn đề an ninh, cho biết, chính sách biển hiện nay của Trung Quốc là kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên (1989 - 2000), mục tiêu của Trung Quốc là "giành được quyền kiểm soát khu vực biển ven bờ của mình".
Điều đáng nói là Trung Quốc đưa ra bản đồ đường 9 đoạn, đơn phương nhận phần lớn diện tích Biển Đông thuộc lãnh hải của mình và cái mà họ gọi là "biển ven bờ" đã xâm phạm chủ quyền nhiều nước trong khu vực.
Trong giai đoạn thứ 2 (từ năm 2010 - 2020), Trung Quốc sẽ tìm cách đạt được "khả năng ngăn chặn các nước khác tiếp cận chuỗi đảo thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương". Cuối cùng, ở giai đoạn thứ 3 (từ năm 2020 - 2050), Trung Quốc đặt mục tiêu mà họ gọi bằng cái tên mỹ miều là "giành lại vinh quang trong quá khứ", ám chỉ thời đô đốc Trịnh Hòa (thế kỷ 15) thực hiện những chuyến hải trình khắp thế giới. Trung Quốc khẳng định khi kết thúc giai đoạn này, họ sẽ trở thành một cường quốc biển.
Nếu điều ông Banloi nói là chính xác thì những gì chúng ta thấy ở Trung Quốc thời gian qua, đặc biệt là việc nước này lần đầu sử dụng tàu hải quân để hộ tống một đoàn gồm 30 tàu cá vào đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) chính là một động thái nhằm hoàn thành giai đoạn 2 của kế hoạch này. Điều này cũng giải thích cho việc Trung Quốc sử dụng tàu hải giám trang bị tên lửa để gây hấn với Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough.
Theo Banloi, lực lượng quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc bao gồm 2 đội tàu nổi thuộc hạm đội Nam Hải với hơn 8 tàu hải giám. Thêm vào đó, Trung Quốc đã triển khai tàu khu trục tên lửa đa năng được trang bị 40 tên lửa và tàu tuần tra tên lửa tàng hình lớp Houbei.
Thật không may, Philippines lại nhỏ và yếu thế hơn Trung Quốc nên không thể mong chờ việc được đối xử ngang bằng trong các đàm phán.
Như vậy, theo tờ Manila Standard Today, lựa chọn duy nhất của Philippines là đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, bởi làm sao có thể thương lượng với một quốc gia có không ít hơn 60 tàu nổi hoạt động trong vùng biển tranh chấp, mỗi tàu đều được trang bị tên lửa?
Bài báo đăng trên tờ Manila Standard Today bi quan cho rằng, ngay cả khi đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế, Philippines cũng không chắc có thể buộc Trung Quốc tuân thủ các phán quyết. Bởi lẽ, theo tác giả bài báo, luật quốc tế không phải là luật thật sự, bởi không đi kèm các biện pháp trừng phạt.
Tác giả bài báo đưa ra một hy vọng mong manh rằng việc tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS đã đủ là một sự trừng phạt với nước này, bởi lẽ nó khiến Trung Quốc mất thể diện. Nó sẽ kéo Trung Quốc lùi một bước dài trên con đường vật lộn để được thế giới nhìn nhận như một cường quốc mới.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!