Nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, ông Taylor Fravel, Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, nhận định đây là hành động phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trả lời phỏng vấn nhật báo "New York Times" ngày 9/5, Giáo sư Fravel cho rằng xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn.
Vì thế, hạ đặt giàn khoan HD-981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Tọa độ giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh TTXVN
Đánh giá về cơ sở pháp lý của việc Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ, Giáo sư Fravel khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Về tác động khu vực trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, Giáo sư Taylor cho rằng hành động của Trung Quốc củng cố vững chắc hơn nhận thức của các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông rằng Bắc Kinh luôn có tham vọng mở rộng lãnh thổ và thích hành động đơn phương. Ông nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc trong những năm qua như mời các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư khai thác tại các lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam cho thấy rằng Trung Quốc có thiên hướng muốn bành trướng.
Ngoài ra, Giáo sư Fravel cũng đánh giá trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du tới khu vực, trong đó có chuyến thăm hai quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Malaysia và Philippines, hành động của Bắc Kinh cho thấy nước này có thể đang tìm cách thử thách cam kết "xoay trục" sang châu Á của Washington.