Cuộc thăm dò do Trung tâm Thăm dò toàn cầu của tờ Hoàn Cầu thực hiện qua điện thoại từ ngày 6 - 19/12 với sự tham gia của 1.512 người Trung Quốc, tất cả đều trên 15 tuổi, tại 7 thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải.
Trung tâm này đã tiến hành cuộc thăm dò thường niên trong suốt 8 năm qua nhằm tìm hiểu quan điểm của công chúng Trung Quốc về các vấn đề quốc tế trong suốt cả năm.
Theo Hoàn Cầu, mặc dù rất yêu nước và thừa nhận rằng Bắc Kinh đã đạt được những thành tựu để trở thành quốc gia phát triển kinh tế hàng đầu thế giới, song hơn 80% người Trung Quốc vẫn cho rằng nước mình chưa đạt tới vị thế cường quốc thế giới. Cụ thể, những người có trình độ học vấn thấp đánh giá quốc gia mình cường quốc, còn những người người có trình độ học vấn cao hơn lại không đồng ý với ý kiến này.
51% người tham gia khảo sát cho rằng, quyền lực kinh tế của Trung Quốc đã có tầm ảnh hưởng toàn cầu - tăng 2% so với năm 2012. Tuy nhiên, so với năm ngoái, chỉ có thêm 0,1% người cho rằng Bắc Kinh trở thành cường quốc thế giới, xét về ảnh hưởng chính trị và ngoại giao.
Theo cuộc thăm dò, hơn 74% người Trung Quốc nghĩ rằng quan hệ Mỹ - Trung Quốc là mối quan hệ song phương có ảnh hưởng lớn nhất đến đất nước này trong năm 2013. Con số này đã giảm đáng kể so 4 cuộc khảo sát các năm trước đó.
Tờ Hoàn Cầu dẫn lời ông Jin Canrong, hiệu phó Khoa Quốc tế, Đại học Renmin (Trung Quốc) nhận định rằng điều này chứng tỏ người Trung Quốc đã tự tin hơn. “Mối quan hệ Mỹ - Trung đang đi vào ổn định hơn trong những năm gần đây. Xét cho cùng, khi Trung Quốc phát triển hơn thì người dân cũng trở nên bình tĩnh hơn với các vấn đề về Mỹ".
Khoảng 57,6% số người hỏi có suy nghĩ tích cực về quan hệ song phương giữa 2 nước, bất chấp nhiều vấn đề gây chia rẽ như vấn đề về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tư tưởng bài Mỹ của người Trung Quốc. Con số này tăng thêm 4,8% so với cuộc khảo sát vào năm ngoái.
Tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư và khống chế ảnh hưởng của Mỹ là những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn thứ 1 và thứ 2 đối với Trung Quốc, theo cuộc khảo sát.
Cũng theo cuộc thăm dò, 36,5% người cho rằng quan hệ Trung - Nhật là mối quan hệ láng giềng có ảnh hưởng nhất đối với Trung Quốc, xếp sau Nga với tỉ lệ 62%. Tuy nhiên, chỉ có 13,1% cho rằng mối quan hệ này sẽ được cải thiện.
Khi được hỏi về sự kiện quốc tế ấn tượng nhất, gần 60% lựa chọn tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và gần 50% chọn việc Bộ Quốc phòng Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Hơn 48% cho rằng thái độ hiếu chiến của Trung Quốc với Nhật trong vấn đề Điều Ngư và việc thiết lập ADIZ vào tháng 12 là những động thái giúp nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc, tiếp theo là việc phóng tên lửa Thần Châu 10 và tàu thăm dò Hằng Nga 3. Trong khi đó, 57% cho rằng các nạn tham nhũng của các quan chức đã phá hoại nhiều nhất hình ảnh Trung Quốc, tiếp theo là ô nhiễm, hàng kém chất lượng và hàng giả.
Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự Song Xiaojun cho rằng mặc dù Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, song không cần thiết phải chống xâm lược nữa mà nên quan tâm hơn đến hiện đại hóa và sự phát triển của quốc gia.
Những người tham gia khảo sát cũng tỏ ra thiếu tự tin hơn về năng lực quân sự của Trung Quốc. Cụ thể, số người cho rằng sức mạnh quân sự của nước này đã đạt tới mức toàn cầu đã giảm 3,8% so với năm ngoái.