Hoàn Cầu: Mỹ gây chuyện ở châu Á làm gì rồi phải hụt hẫng

Hải Võ |

Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), Bắc Kinh đang cảm thấy khá hài lòng với việc tình hình biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Hoàn Cầu: Mỹ nhắc biển Đông "không ảnh hưởng gì"

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã mở màn từ hôm qua, 18/11, tại thủ đô Manila của Philippines.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, trước khi hội nghị diễn ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trong cuộc họp báo do người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III tổ chức, trong đó đề cập đến tình hình biển Đông.

Ông Obama tuyên bố: "Chúng tôi nhất trí rằng cần phải áp dụng những biện pháp quyết đoán để giảm căng thẳng, bao gồm cam kết ngừng gia tăng hoạt động lấp biển, xây dựng đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa ở biển Đông."

Trong khi đó, cũng giống với APEC 2014 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có chương trình hội đàm với ông Aquino.

Ông Tập là người cuối cùng tiến vào hội trường tại lễ đón trong khuôn khổ hội nghị toàn thể APEC do Tổng thống Aquino chủ trì hôm qua (18/11) tại Trung tâm hội nghị quốc tế Philippines ở thủ đô Manila.

Hai ông "hàn huyên" trong 2 phút. Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Aquino nói ngắn gọn: "Chào mừng Chủ tịch Tập, cảm ơn ngài tới Manila dự hội nghị APEC."


Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp báo của Tổng thống Philippines, bên lề chương trình nghị sự chính của hội nghị thượng đỉnh APEC. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp báo của Tổng thống Philippines, bên lề chương trình nghị sự chính của hội nghị thượng đỉnh APEC. Ảnh: Reuters

Theo Hoàn Cầu, Biển Đông không nằm trong nghị trình của hội nghị APEC và ông Obama cũng không nhắc tới vấn đề này trong chương trình chính thức của hội nghị.

Vì vậy, việc Tổng thống Mỹ và Philippines nêu vấn đề biển Đông trong họp báo song phương vị Bắc Kinh chỉ trích là "lách luật".

Ngoài ra, ông Obama cũng cũng lên thăm một chiến hạm của quân đội Philippines trong ngày đầu tới nước này, đồng thời tuyên bố sẽ viện trợ 259 triệu USD cho các quốc gia Đông Nam á.

Dù vậy, phía Trung Quốc tỏ ra khá hài lòng với kết quả thu được khi cho rằng việc Mỹ nhấn mạnh vấn đề biển Đông ở các sự kiện bên lề chương trình nghị sự "không ảnh hưởng lớn tới không khí nghị trình".

Hoàn Cầu khẳng định sự coi trọng phát triển hòa bình ở khu vực là xu thế chủ đạo mà những tranh chấp lãnh thổ "nhỏ" không thể lấn át được.

Tờ này đồng thời gọi việc Mỹ muốn thảo luận vấn đề biển Đông là hành động "phá hoại nghị trình phát triển bình thường của khu vực", thể hiện "âm mưu lôi kéo các nước khác cùng đối đầu với Trung Quốc".

Bắc Kinh cũng tự tin nhận định các nước "cũng hy vọng lưu lại 'lối ra' trong quan hệ với Trung Quốc chứ không muốn 'đối chọi tới cùng'".

Mặt khác, Trung Quốc đánh giá rằng tầm ảnh hưởng gia tăng không ngừng của họ ở biển Đông cho phép nước này triển khai cuộc đối đầu với Washington liên quan tới lợi ích cốt lõi của đôi bên.

"Do Trung Quốc có lợi thế 'gần nhà', trong khi biển Đông là một chiến tuyến xa xôi đối với Mỹ nên Trung Quốc chưa chắc đã rơi vào thế yếu, mà thậm chí có thể chiếm ưu thế trước Mỹ," Thời báo Hoàn Cầu bình luận.

Báo đảng Trung Quốc phản ứng gay gắt luận điểm của Mỹ-Nhật

Trước đó, Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đã lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Nhật Bản "cố ý thêu dệt vấn đề biển Đông".

Tờ này khẳng định biển Đông "vốn không có vấn đề gì nhưng lại có người (ám chỉ Mỹ và đồng minh) muốn gây chuyện".

Nhân dân Nhật báo cáo buộc Washington và Tokyo "ngày càng can thiệp một cách trực tiếp hơn vào tình hình biển Đông" khi Tổng thống Obama tỏ ý quyết đưa vấn đề này vào nghị trình APEC, còn Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố "quan ngại" trước hành động cua Bắc Kinh trên biển.

Tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng phản ứng gay gắt trước các lập luận mà Mỹ-Nhật đưa ra để phản đối các hành động trái phép của Bắc Kinh trên biển Đông trước hội nghị APEC.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, các vấn đề liên quan tới Trung Quốc trên biển Đông sẽ là chủ đề xuyên suốt hành trình công du châu Á của Tổng thống Obama.

Điều này được khẳng định là để "thể hiện rõ vai trò chủ đạo của Mỹ trong các vấn đề quân sự, chính trị quốc tế quan trọng".

Phía Nhật Bản cũng có quan điểm tương tự với Mỹ. Thủ tướng Abe từng công khai ủng hộ hành động của Washington, trong khi các quan chức quân đội nước này tuyên bố "có khả năng sẽ tham gia tuần tra biển Đông cùng Mỹ".

Lý lẽ chủ yếu của Mỹ và Nhật là thực hiện quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, trong khi Trung Quốc khăng khăng rằng sự ổn định ở biển Đông chỉ do Trung Quốc và ASEAN gìn giữ, Mỹ-Nhật chỉ là "người ngoài cuộc".


Ông Obama phát biểu sau chuyến thăm tàu BRP Gregorio Del Pilar tại Cảng Manila, Philippines hôm 17/11. Chiếc tàu này từng thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ cho đến năm 2011, khi nó ngừng hoạt động và được Hải quân Philippines mua lại. Ảnh: Jonathan Ernst/Reuters

Ông Obama phát biểu sau chuyến thăm tàu BRP Gregorio Del Pilar tại Cảng Manila, Philippines hôm 17/11. Chiếc tàu này từng thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ cho đến năm 2011, khi nó ngừng hoạt động và được Hải quân Philippines mua lại. Ảnh: Jonathan Ernst/Reuters

Bắc Kinh tỏ ra bất mãn trước những tuyên bố gần đây từ nhiều quan chức chính phủ cho tới tướng lĩnh quân đội Mỹ thể hiện quan điểm "Trung Quốc đe dọa tự do và an ninh hàng hải ở biển Đông".

Trung Quốc gọi những cáo buộc từ Mỹ và đồng minh là "bịa đặt" và lớn tiếng rằng các tàu chiến của Mỹ "cố tình 'diễu võ dương oai' ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV) và vùng cận hải".

Cũng theo Nhân dân Nhật báo, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), Mỹ Harry Harris từng thẳng thừng tuyên bố các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông "về bản chất là phục vụ mục đích quân sự".

Ông Harris chỉ trích Bắc Kinh "dùng các biện pháp chèn ép và đe dọa" để cải tạo hiện trạng biển Đông, còn Nhật Bản đánh giá các đảo nhân tạo trái phép thể hiện mối đe dọa "chủ nghĩa bá quyền" của Trung Quốc trong khu vực.

Trước nhiều cáo buộc từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc chỉ phản ứng "trước sau như một", tuyên bố nước này "không theo đuổi bá quyền mà chỉ bảo vệ chủ quyền".

Tuy nhiên, những yêu sách về chủ quyền như "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tuyên bố ở biển Đông trên thực tế không được sự thừa nhận của quốc tế.

Trung Quốc cũng đang "thất thế" trước Philippines trong vụ kiện của Manila nhằm vào "đường 9 đoạn" này tại Tòa trọng tài thường trực (PCA).


Theo Hoàn Cầu, nỗ lực nhấn mạnh vấn đề biển Đông của Mỹ-Nhật tại APEC không gây ảnh hưởng gì trên truyền thông nước này. Ảnh: Xinhua

Theo Hoàn Cầu, nỗ lực nhấn mạnh vấn đề biển Đông của Mỹ-Nhật tại APEC không gây ảnh hưởng gì trên truyền thông nước này. Ảnh: Xinhua

Hoàn Cầu cảnh cáo Mỹ "hứng chịu thất bại hàng loạt"

Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố, mặc dù chịu nhiều "đòn tấn công dư luận" từ Mỹ, song hội nghị thượng đỉnh APEC "không có sự kiện nào khiến người Trung Quốc cảm thấy bất ngờ".

"Chúng ta không cảm thấy sức ép đặc biệt nào từ bên ngoài. Hai ngày vừa qua, dư luận Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến vấn đề các lãnh đạo mặc gì khi chụp bức ảnh toàn thể ở APEC.

Mỹ có thể tiếp tục phát huy vai trò của mình ở châu Á, nhưng nếu mục tiêu của họ là chèn ép vị thế và vai trò của Trung Quốc, kiềm chế hoạt động của Trung Quốc ở khu vực thì chính vai trò của họ sẽ bị hạ thấp. Mỹ sẽ cảm thấy 'hụt hẫng' khi phải chứng kiến hàng loạt thất bại," Hoàn Cầu cảnh cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại