"An toàn của người vô tội đang bị đánh đổi"
Theo hãng tin Anh BBC, hầu hết các tờ báo tại Trung Quốc đại lục đã lên tiếng chỉ trích cuộc biểu tình tại Hồng Kông là "một cuộc tụ họp bất hợp pháp". Tuy nhiên, họ lại không hề đăng tải bất cứ hình ảnh hay thông tin chi tiết nào về những gì đang diễn ra tại Hồng Kông.
Khi nói về việc cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình, một bài báo trên tờ China Daily bản tiếng Anh, đã khẳng định cuộc biểu tình ở Hồng Kông là "trái pháp luật" và rằng nhóm Chiếm Trung Tâm đã lợi dụng sinh viên để đe dọa "sự ổn định xã hội và sự thịnh vượng của nền kinh tế" Hồng Kông.
"Nhìn ra sự thất bại trong việc hô hào người dân ủng hộ mục đích của mình, những kẻ tổ chức Chiếm Trung Tâm đã tìm cách lợi dụng lý tưởng và sự nhiệt tình của sinh viên nhằm thúc đẩy tiến bộ dân chủ".
Tờ này còn cáo buộc những người biểu tình đã có "một chương trình nghị sự chính trị": "Bằng cách cố tình đẩy sinh viên trẻ vào vòng nguy hiểm, những kẻ tổ chức Chiếm Trung Tâm đã nỗ lực trong vô vọng nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, thậm chí là đánh đổi cả sự an toàn của những người vô tội... những kẻ cực đoan chính trị ở thành phố này đã hoàn toàn bộc lộ bản chất cơ hội".
Tờ Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh thì nhận định "phong trào đường phổ" đã phá hủy hình ảnh của Hồng Kông, đồng thời cho rằng cảnh sát đã "kiềm chế khi xử trí với người biểu tình": "Là người Trung Quốc đại lục, chúng tôi cảm thấy buồn cho tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông hôm Chủ Nhật. Những lực lượng đối lập cực đoan ở Hồng Kông phải chịu trách nhiệm".
Tờ này còn lên án truyền thông phương Tây vì "ví phong trào Chiếm Trung Tâm với sự kiện Thiên An Môn năm 1989". "Bằng cách thổi phồng sự so sánh vô căn cứ như vậy, họ đã cố gắng làm sai lệch và khuấy động xã hội Hồng Kông. Trung Quốc không còn là Trung Quốc của 25 năm trước. Chúng tôi đã tích lũy kinh nghiệm và rút ra bài học từ những quốc gia khác để rồi củng cố thêm khả năng đánh giá của mình trước những bất ổn xã hội", tờ báo này lên án.
Hoàn Cầu kêu gọi chính quyền Hồng Kông "hành động để lập lại trật tự, nhằm đối phó với những thiệt hại do lực lượng cực đoan gây ra cho xã hội", còn "chính quyền trung ương cần phải hỗ trợ một cách vững chắc cho Đặc khu Hành chính Hồng Kông, kiên quyết chống lại các hành động cực đoan, bao gồm đặt ra ranh giới đỏ cho luật pháp ở đây".
Trong một bài viết đăng trên cổng thông tin Sohu, giáo sư Đại học Cảnh sát Wang Qiang còn cho rằng, "cảnh sát có vũ trang" có thể được huy động để xử lý tình hình nếu các cơ quan thực thi luật pháp ở Hồng Kông "không có khả năng làm được việc này".
Đường phố Hồng Kông hỗn loạn vì các cuộc biểu tình cúa sinh viên và người dân.
"Đã tới mức này, cần cân nhắc điều gì là tốt nhất"
Truyền thông Hồng Kông thì đăng tải rầm rộ thông tin về các cuộc biểu tình, với nhiều quan điểm trái ngược nhau.
Tờ Sing Tao Daily, mang tư tưởng ủng hộ Bắc Kinh, đổ lỗi cho các nhà hoạt động Chiếm Trung Tâm vì đẩy Hồng Kông vào nguy hiểm. "Cuộc xung đột không chỉ ảnh hưởng đến khu vực quận tài chính, mà còn ảnh hưởng tới tất cả các vùng và các ngành công nghiệp. Các nhà hoạt động phải chịu trách nhiệm".
Tờ Apple Daily thì có quan điểm ngược lại khi cho rằng "quyết tâm đấu tranh cho dân chủ của người dân và sinh viên sẽ không bao giờ suy yếu".
Trong khi đó, tờ Ming Pao tế nhị chỉ trích những người biểu tình Hồng Kông "không giữ lời hứa" về "một cuộc biểu tình không bạo lực" dựa trên "lý tưởng hòa bình và tình yêu thương", đồng thời cũng cho rằng cảnh sát nhẽ ra không nên sử dụng hơi cay với người biểu tình.
Tờ này đưa ra gợi ý: "Đã tới mức này, có lẽ các nhà chức trách nên cân nhắc xem điều gì là tốt nhất cho Hồng Kông. Ví dụ, tạm thời đóng băng các cuộc thảo luận về cải cách chính trị và chờ đợi vòng tham vấn thứ hai".
Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng (SCMP) thì tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng "thế hệ sinh viên đã liên tiếp cho thấy họ đã sẵn sàng đứng lên và nói lên sự thật. Nếu họ thực sự là những nhà lãnh đạo Hồng Kông trong tương lai, chúng ta vẫn có thể mong chờ một sự thay đổi".