Hãng tin nước ngoài "mở hàng" chất vấn Putin chính là Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Huy |

Sau loạt câu hỏi về kinh tế của các hãng tin trong nước, Tổng thống Putin đã trao quyền đặt câu hỏi cho các hãng tin nước ngoài, và Thổ Nhĩ Kỳ là nước được ưu tiên.

Theo đó, phóng viên hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã hỏi ông Putin rằng:

"Trong một lá thư gửi tới Hội đồng Liên bang, ông [Putin] có nói rằng ông không đánh đồng người dân Thổ Nhĩ Kỳ với những người đã gây ra cái chết của các quân nhân Nga.

Phóng viên hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ)
Phóng viên hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ)

Tuy nhiên, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn từ các sinh viên và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ đang học tập và làm việc tại Nga.

Câu hỏi thứ hai là về Syria và Tổng thống Syria. Ông đã thảo luận giải quyết vấn đề Syria trong cuộc họp mặt với John Kerry chưa?"

Ngay sau đó, phóng viên Fuad Safarov của hãng thông tấn Cihan cũng của Thổ Nhĩ Kỳ đã được trao quyền đặt câu hỏi. Đại diện hãng này đã hỏi ông Putin rằng liệu trong những giao tranh Nga-Thổ có một bên thứ ba hay không?

Phóng viên Fuad Safarov, hãng tin Cihan (Thổ Nhĩ Kỳ)
Phóng viên Fuad Safarov, hãng tin Cihan (Thổ Nhĩ Kỳ)

Tổng thống Putin đã trả lời đại diện 2 hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ rằng:

Chúng tôi tin rằng hành động của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với máy bay của chúng tôi là một hành động thù địch. Máy bay đã bị bắn, quân nhân đã hi sinh. Nếu đây là tai nạn, thì cần phải lập tức nhấc điện thoại lên và giải thích.

Nhưng thay vào đó, họ [Thổ Nhĩ Kỳ] nấp sau lưng NATO. Về phía chúng tôi, chúng tôi không hề từ chối hợp tác. Khi tôi ở Antalya, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nhờ chúng tôi trợ giúp trong một vấn đề rất nhạy cảm, và chúng tôi đã hợp tác sẵn sàng giúp đỡ...

Tôi đã nói là chúng tôi đã sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong những vấn đề nhạy cảm nhất, vậy cần gì phải gây ra chuyện đó? 

Liệu có phải họ nghĩ rằng gây ra chuyện đó thì chúng tôi sẽ phải rút khỏi khu vực đó hay không? Tât nhiên là không. Nga không phải là một nước như vậy. 

Rốt cuộc là tất cả các bên đều rơi vào tình huống rất khó khăn. Tôi có cảm giác IS chỉ là vấn đề thứ yếu. Tình hình này đã nảy sinh ra trong nhiều năm rồi, ở những vùng đó, người ta đã tổ chức buôn lậu với quy mô rất lớn.

Để bảo vệ hoạt động buôn lậu đó, người ta cần phải có lực lượng quân sự, và người ta đã dễ dàng lợi dung nhân tố Hồi giáo, đã đưa lực lượng đến đó. 

Những con người đó chỉ đơn thuần là thực hiện một cuộc chơi gắn liền với các lợi ích kinh tế. IS đã xuất hiện như thế. Chúng tôi đã bắt đầu đánh phá các đoàn xe chở dầu, thì các đoàn xe chở dầu khác lại đi qua Iraq, đi qua khu vực Kurdistan. 

Chúng tôi đã phát hiện ra 11 nghìn xe chở dầu tại một vị trí. Tôi có thể yêu cầu Bộ Quốc phòng nói về chuyện này. 

Còn câu hỏi liệu có bên thứ 3 hay không ư, thì tôi cho rằng rất có thể. Đương nhiên, cần phải tiếp tục các mối quan hệ, các cuộc tiếp xúc với những dân tộc gần gũi với chúng ta về mặt sắc tộc. Còn những dân tộc nói tiếng Thổ thì là một bộ phận của nước Nga.

Với ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, chúng tôi rất khó đạt được thoả thuận, thậm chí là không thể đạt được thoả thuận. Do đó, ở cấp quan hệ giữa hai nhà nước, thì hiện nay tôi không thấy có triển vọng gì.

Còn trong lĩnh vực nhân văn, xã hội, thì có thể có nhưng trong lĩnh vực này còn có những vấn đề tồn tại. Chúng tôi buộc phải thực hiện những biện pháp hạn chế cả trong lĩnh vực kinh tế nữa, chẳng hạn như trong ngành du lịch.

Chúng tôi cũng phải thực hiện một số biện pháp khác nữa. 

Về số phận của Tổng thống Syria, chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc ở đâu đó có tình trạng người ta gây áp lực áp đặt ai được lãnh đạo một đất nước.

Lập trường của chúng tôi không thay đổi, đó là 1 lập trường có tinh nguyên tắc. Nhân dân Syria cần phải quyết định người nào lãnh đạo đất nước của họ. 

Do đó, về cơ bản, chúng tôi ủng hộ hoạt động của Mỹ nhằm chuẩn bị 1 dự thảo nghị quyết LHQ, mặc dù có nội dung nào đó không được hài lòng. Bao giờ cũng có thể có sự thoả hiệp, nhưng sự thoả hiệp phải tới từ 2 phía. 

Chúng tôi cố gắng để các giải pháp đáp ứng được tất cả các bên, cho dù tình hình phức tạp đến mấy. Cần phải có 1 cơ chế minh bạch, giám sát bầu cử. Và trong những điều kiện bảo đảm dân chủ, thì người Syria tự mình quyết định. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại