Dưới đây là trích lược bài phân tích về siêu bão Haiyan trên blog của Jeff Masters, tiến sỹ khí tượng người Mỹ, thành viên sáng lập và giám đốc chuyên môn của Weather Underground, công ty cung cấp thông tin thời tiết hàng đầu Mỹ. Các thông tin, bài viết của Jeff Masters được các hãng tin lớn như AP, AFP, Bloomberg sử dụng thường xuyên trong các bản tin về bão lụt và các hiện tượng thời tiết bất thường.
Cơn bão xuất hiện dị thường nhất
Cùng với Nancy (1961, sức gió 346 km/h), Violet (1961, sức gió 330 km/h) và Ida (1958, sức gió 322 km/h), siêu bão Haiyan là một trong 4 cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới, với sức gió ở mức đáng kinh ngạc: hơn 313 km/h, giật lên tới hơn 370 km/h, theo thông tin từ Trung tâm cảnh báo bão đưa ra vào 15 giờ quốc tế UTC ngày 7/11.
Cơn bão nhiệt đới được chính thức công nhận là mạnh nhất thế giới là Siêu bão Nancy năm 1961 với sức gió 346 km/h. Tuy nhiên, sức gió tối đa ước tính cho những cơn bão xảy ra trong khoảng những năm 1940 - 1960 được cho là quá cao (so với thực tế).
Kể từ năm 1969, 3 cơn bão nhiệt đới có số liệu đáng tin cậy về sức sức gió gần tương đương với con số 313 km/h của Haiyan là siêu bão Tip tại Tây Thái Bình Dương năm 1979 (305 km/h), bão Camille năm 1969 và bão Allen năm 1980 tại Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, cường độ gió mạnh nhất của cả 3 cơn bão này đều được đo bằng máy bay săn bão. Còn sức gió của bão Haiyan chỉ được ước tính bằng hình ảnh vệ tinh, và như vậy, mức độ tin cậy của nó có phần thấp hơn. Nếu dùng các hình ảnh vệ tinh để ước tính về cường độ thì còn có thể có 2 siêu bão lớn hơn Tip - siêu bão Gay năm 1992 và siêu bão Angela năm 1995.
Hình ảnh vệ tinh của Haiyan chụp vào lúc 4 giờ 25 phút ngày 7/11, khi nó là một siêu bão cấp 5 với mức gió 281 km/h
Hiện không có bất cứ biện pháp nào để đo áp suất tâm bão Haiyan, nhưng nó có thể ngang bằng kỉ lục mọi thời đại là 870 mb của siêu bão Tip.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản ước tính, áp suất tâm bão Haiyan đạt tới 895 mb vào lúc 12 giờ UTC ngày 7/11.
Ông Master mô tả Haiyan là cơn bão xuất hiện dị thường nhất mà ông từng thấy trên hình ảnh vệ tinh, mắt bão lớn, được bao quanh bởi một khối lượng hoàn lưu bão mạnh, tưởng như không thể xuyên thủng với đỉnh chạm tới tầng bình lưu thấp.
Haiyan sẽ là cơn bão cấp 5 thứ 3 đổ bộ vào Philippines kể từ năm 2010. Vào năm 2010, mức gió của siêu bão Megi đạt đỉnh 290 km/h khi chạm tới phía đông đảo Luzon và trở thành bão cấp 5 (cấp mạnh nhất theo theo thang bão Saffir-Simpson) khi vào tới đất liền nước này. Khi đó, sự đổ bộ của Megi chứng tỏ rằng, Philippines có thể chịu được sức tấn công của siêu bão cấp 5 mà không có thiệt hại nào tới mức thảm hoạ. Siêu bão này khiến 35 người thiệt mạng và gây thiệt hại 276 triệu USD cho Philippines.
Tuy nhiên, siêu bão Bopha, cơn bão cấp 5 gần đây nhất đổ bộ vào đảo Mindanao, phía nam Philippines ngày 3/12/2012 đã gây ra thiệt hại lớn. Cơn bão khiến 1.901 người thiệt mạng, đa phần là người dân đảo Mindanao và trở thành siêu bão khủng khiếp thứ 2 trong lịch sử Philippines. Với mức thiệt hại ước tính 1,7 tỉ USD, Bopha là thảm hoạ tự nhiên gây thiệt hại lớn nhất đối với Philippines ở thời điểm đó.
Mối nguy hiểm nhất của Haiyan: Mưa to, gió lớn
Mối đe doạ lớn nhất của bão Philippines thường là mưa to, bởi địa hình của đảo ở nước này là đồi núi, lượng mưa lớn có thể gây sạt lở và lũ quét nguy hiểm, đặc biệt là khi nạn phá rừng diễn ra khá thường xuyên ở nước này trong nhiều thập kỷ qua. Dự báo mới nhất về lượng mưa đo được từ ngày 6 - 7/11 bằng mô hình HWRF (dùng để dự báo quỹ đạo và cường độ bão) không mấy khả quan. Một vùng mưa rộng 80 km với lượng mưa trên 200 mm được dự đoán quét qua miền Trung Philippines. Đất đã ẩm ướt khá nhiều từ những cơn mưa nặng hạt tại vùng này từ thứ Hai khiến cho nước mưa từ bão Haiyan sẽ chảy nhanh và có thể gây lũ lụt đe doạ tính mạng con người.
Sức tàn phá của siêu bão Haiyan sau khi quét qua Philippines và tiến vào Biển Đông.
Sức gió của bão Haiyan cũng là một mối lo ngại lớn, đặc biệt là ở Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte, nơi có dân số 221.000 người.
Thêm vào đó, siêu bão Haiyan sẽ gây ra sóng bão lớn hơn so với bình thường, khi một cơn bão đổ bộ vào nước này.
Theo dự đoán của NOAH (Dự án đánh giá thảm họa toàn quốc) của Philippines, phần lớn Tacloban sẽ bị chìm sâu ít nhất 3 mét, sóng bão đạt 4,5 mét. Trong khi đó, thuỷ triều bão cao nhất sẽ đạt 5,3 mét tại phía bắc Tacloban ở bờ biển phía đông đảo Samar. Thuỷ triều bão ở nhiều khu vực tại trung Philippines sẽ đạt 2,5 mét sau khi Haiyand di qua đảo Leyte và Samar.
Mặc dù cơn bão di chuyển cách thủ đô Manila 180 m về phía nam, song thuỷ triều bão ở thành phố này cũng được cho là đạt mức 1,4 mét.