Tạp chí kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc Tài Kinh vừa đưa ra loạt bài điều tra cho rằng đằng sau cuộc khủng hoảng tham nhũng ở tỉnh Sơn Tây đang tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng khác, thậm chí còn đen tối và khốc liệt hơn.
Đó là việc các băng nhóm tội phạm vươn vòi thâm nhập sâu vào các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh nhằm phục vụ các hoạt động tội phạm của chúng.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) hồi tuần qua cũng tuyên bố sẽ mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng ở Sơn Tây.
Bài học từ băng “chim sẻ”
Người dân Sơn Tây vẫn chưa quên băng nhóm xã hội đen khét tiếng ở thành phố Lữ Lương do Phùng Hiểu Xuân cầm đầu. Chúng hoành hành trong những năm 2000.
Băng này đã cài cắm 15 thành viên của mình vào trường đào tạo cảnh sát địa phương. Sau khi tốt nghiệp, chúng vào làm việc trong đơn vị công an ở một huyện trực thuộc thành phố và nhờ đó băng nhóm xã hội đen này ít bị luật pháp “sờ gáy”.
Tháng 6-2004, hoạt động của băng nhóm này bị lộ, 67 tên bị bắt, kể cả ông trùm Phùng Hiểu Xuân. Lúc đó, cảnh sát đã tịch thu đến 47 khẩu súng và hơn 1.400 viên đạn của băng nhóm này.
Thế nhưng, hiện tượng cấu kết giữa cảnh sát, quan chức và xã hội đen ở Sơn Tây những năm sau đó chưa hề chấm dứt bởi lợi lộc từ mối quan hệ này quá lớn.
Tạp chí Tài Kinh cho biết trùm các băng nhóm tội phạm ở Sơn Tây đã cài người vào các lực lượng cảnh sát địa phương và bỏ tiền mua chuộc các thành viên chủ chốt trong chính quyền để những người này “chống lưng” cho chúng.
Vì lẽ đó các băng nhóm xã hội đen đã hoành hành hàng chục năm qua ở tỉnh giàu quặng mỏ này.
Mối quan hệ quan chức chính quyền - xã hội đen và xã hội đen có tay trong ở trong guồng máy chính quyền đã lý giải được nguyên nhân vì sao các cuộc điều tra 14 băng nhóm tội phạm ở tỉnh Sơn Tây từ năm 2006 đã không có kết quả.
Đó là do các băng nhóm này đã cấu kết với cơ quan chức năng để điều hành các hoạt động mại dâm, cờ bạc, cho vay nặng lãi, cướp của và ức hiếp người làm ăn lương thiện.
Cảnh sát thường xuyên giở trò để cản trở việc thu thập chứng cứ và làm hỏng các cuộc điều tra này.
Trả giá
Sự hiện diện ngày càng lớn mạnh của các băng nhóm xã hội đen ở Sơn Tây đã trả lời cho việc Bí thư Thành ủy Thái Nguyên (thủ phủ của Sơn Tây) Nhiếp Xuân Ngọc và ủy viên của Hội đồng nhân dân thành phố này là Trần Xuyên Bình bị cách chức điều tra hồi tháng 8-2014.
Ngay sau đó, giám đốc Sở Công an Thái Nguyên Liêu Toại Ký bị cách chức điều tra. Bốn tháng sau, tân giám đốc sở cảnh sát thành phố này là Lý Á Lực cũng rơi đài cùng hàng loạt quan chức khác bị kỷ luật.
Ngoài các tội mua quan bán chức, các quan chức này còn có mối liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến các băng nhóm xã hội đen, làm ô dù cho các hoạt động tội phạm của chúng.
Năm 2013, nguyên giám đốc Sở Công an Thái Nguyên Tô Hạo cũng “ngã ngựa” vì lý do tương tự.
CCDI gần đây tuyên bố điều tra ông Lệnh Kế Hoạch, cựu trợ lý của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, vì nghi ngờ tham nhũng. Truyền thông Trung Quốc đang liệt Lệnh vào vị trí đứng đầu “phe phái Sơn Tây”.
Đó là phe phái bao gồm các quan chức có quê quán ở tỉnh này và có hành vi tham nhũng khét tiếng. Lệnh Kế Hoạch và nhóm quan chức này được cho là đã “hưởng những mối lợi khổng lồ” nhưng trái luật từ các nguồn quặng mỏ của Sơn Tây.
Ít nhất có tám quan chức hàng đầu Sơn Tây đã bị bắt trong các cuộc điều tra tham nhũng năm 2014. Trong đó có cả Lệnh Chính Sách là em trai của Lệnh Kế Hoạch và phó chủ tịch tỉnh Đỗ Thiện Học.
Bước ngoặt chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức bước qua giai đoạn mới trong năm 2015 khi ông tuyên bố đưa vào tầm ngắm các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Ngoài việc khôi phục lòng tin của người dân đối với Đảng, giới quan sát nhận định ông Tập đang đứng trước cơ hội lớn để cải tổ bộ máy chính trị của đất nước.
Nhà báo Linette Lopez bình luận trên trang Business Insider rằng trận chiến mà ông Tập phát động đã mang lại nhiều thay đổi cho Trung Quốc.
Nó không hề nửa vời khi nhiều quan chức cao cấp lần lượt bị còng tay.
Một thay đổi tiêu biểu khác là trung tâm tài chính Macau. Chiến dịch chống tham nhũng đã thay đổi toàn bộ môi trường kinh doanh và cấu trúc xã hội tại đây.
Người giàu Trung Quốc giờ đây có nhiều lý do để thận trọng khi muốn khoe khoang tiền của. CCDI trong năm qua đã thu hồi về hàng triệu USD từ các quan chức tham nhũng.
Theo Tân Hoa xã, những trọng tâm CCDI sẽ tập trung trong năm 2015 là:
* Tất cả tập đoàn nhà nước đều sẽ nằm trong diện thanh tra và thắt chặt giám sát. Các quan chức thuộc Đảng, bộ trưởng và người đứng đầu tập đoàn nhà nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm nếu phát hiện tham nhũng nghiêm trọng xảy ra dưới quyền quản lý của người đó.
* Chiến dịch truy quét nạn quan liêu, tham ô tài sản nhà nước, công quỹ... sẽ được tiếp tục. Quan chức lợi dụng quyền hạn để tác động đến các dự án hạ tầng, đất đai, mua quan bán chức... sẽ đối mặt với hình phạt nặng.
* Làm trong sạch nội bộ CCDI, xây dựng một đội ngũ có khả năng và trách nhiệm. Thay thế những ai yếu kém và trừng phạt những ai biến chất. Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản ở nước ngoài và bắt các quan chức chạy trốn.