Nói về lý do từ chối tham dự, Nga cho biết họ nghi ngờ giá trị của hội nghị thượng đỉnh này và tin rằng các quan điểm của các quốc gia mà không đồng thuận với những người tổ chức sự kiện sẽ bị phớt lờ.
Thay vào đó, theo Bộ Ngoại giao Nga, Moscow sẽ tập trung vào một hội nghị tương tự cũng được tổ chức vào năm 2016 do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Các quan chức Mỹ lấy làm tiếc với quyết định của Nga và hy vọng Nga sẽ thay đổi ý định.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã thông báo với Washington từ giữa tháng Mười về quyết định trên. Bộ tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng việc các phương tiện truyền thông Mỹ rò rỉ thông tin về quyết định này là nhằm gây áp lực cho Nga thay đổi quyết định, nhưng chắc chắn sẽ không thành công. Những nỗ lực đó sẽ phản tác dụng".
Trong thời gian gần đây, mối quan hệ Nga - Mỹ đã trở nên căng thẳng bởi một loạt các vấn đề, đặc biệt là liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bà Psaki khẳng định, dù Nga không tham dự hội nghị ở Chicago, Mỹ và Nga vẫn sẽ tiếp tục hợp tác có hiệu quả về các vấn đề an ninh hạt nhân thông qua các kênh khác.
Bà nói thêm: "Dù tình hình ở Ukraine vẫn căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn hợp tác với Nga về các vấn đề an ninh hạt nhân và giải trừ vũ khí hóa học”.
Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân được tổ chức 2 năm một lần, hiện đã có hơn 50 nước tham dự bao gồm cả Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh.