Tờ Kyodo News dẫn lời những cựu quan chức Quốc phòng Nhật Bản cho hay, đã có hàng chục nhân viên quân sự tham gia nhóm thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài dưới những cái tên giả, trong thân phận là nhân viên của các công ty thương mại Nhật Bản hay các cơ quan chính phủ ít nhạy cảm hơn.
Hàng chục triệu yên cũng đã được trả cho các mật báo viên ở nhiều quốc gia khác nhau từ nguồn kinh phí do cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng chi trả mà không cần giải trình. Song, nhiệm vụ thành công mỹ mãn nhất là đã cài cắm được một điệp viên vào Triều Tiên.
Điều đặc biệt hơn là các quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản đều không biết tới sự tồn tại của những gián điệp này.
Gián điệp Nhật Bản được cho là đã thành công trong việc xâm nhập vào Triều Tiên.
Những tiết lộ về việc có một đơn vị hoạt động bí mật bên ngoài tầm kiểm soát của Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng hoặc các cơ quan khác đã gây ra sự xáo trộn trong chính phủ Nhật Bản. Sự việc đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera phải lên tiếng phủ nhận: "Tôi đã xác minh với tham mưu trưởng lực lượng bảo vệ mặt đất GSDF rằng liệu trước đây hoặc hiện nay có một đơn vị như vậy không, và câu trả lời tôi nhận được là không".
Theo Kyodo, tuyên bố này của ông Onodera trái ngược với thông tin rò rỉ từ quân đội. Họ khẳng định rằng, những gián điệp này đã được huấn luyện tại trung tâm huấn luyện quân sự ở Kodaira, ngoại ô Tokyo dưới sự hướng dẫn của một cơ quan chuyên biệt của Quân đội Đế quốc Nhật trước và trong thời kì Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Theo các nguồn tin, suốt thời kì Chiến tranh Lạnh, cùng với Trung Quốc và Triều Tiên, Liên Xô cũ được xác định là mục tiêu cơ bản đầu tiên của các điệp viên này. Đồng thời, họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía quân đội Mỹ.
Tới nay, đơn vị này vẫn đang duy trì sự liên hệ chặt chẽ với các tình báo Mỹ và nhiều khả năng, 2 quốc gia này cùng chia sẻ những thông tin tình báo liên quan tới những nước được cho là mối đe dọa tới cả hai, trong đó chủ yếu là Trung Quốc và Triều Tiên.