Hồi giữa tháng 4, nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra xét xử cựu Chủ nhiệm Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (
Đào Ngọc Xuân đã bác bỏ phần lớn các cáo buộc tham nhũng trong phiên xử ngày 13/4, trong khi Tưởng Khiết Mẫn đã thừa nhận mọi tội danh, bao gồm ăn hối lộ và lợi dụng chức vụ.
Cả Đào và Tưởng đều là những "tay sai" đắc lực trong quá khứ của cựu Chủ nhiệm Ủy ban chính pháp Trung Quốc, cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Theo Duowei News, sự bất nhất trước tòa của Đào Ngọc Xuân và Tưởng Khiết Mẫn đã cung cấp thêm nhiều cơ sở cho việc xét xử Chu Vĩnh Khang.
Tưởng Khiết Mẫn (trái) và Đào Ngọc Xuân tại các phiên xét xử.
Hôm 6/5, tạp chí The Diplomat của Nhật đã đăng tải bài viết tiêu đề "Xét xử Chu Vĩnh Khang: Đánh 'hổ chết' bằng cách nào?" (tiếng Anh: "The Trial of Zhou Yongkang: How to Flog a ‘Dead’ Tiger?") phân tích động thái của Trung Quốc trong vụ ông Chu.
Theo tạp chí này, Chu Vĩnh Khang chắc chắn sẽ phải nhận mức án nặng hơn so với các "nô tài" của ông ta. Đồng thời, những hành vi mang tính chính trị "ngông cuồng" của ông Chu cũng đồng nghĩa với việc "một cuộc xét xử được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng" đang chờ đón ông này.
Kể từ trước khi Chu bị khởi tố, Bắc Kinh đã từng trực tiếp và gián tiếp thừa nhận việc Chu Vĩnh Khang có dính líu vào âm mưu "hoạt động chính trị phi pháp" cùng cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Bên cạnh đó, ông này cũng bị truyền thông quốc tế "tố" là có hành vi lợi dụng vị trí lãnh đạo ngành an ninh để bí mật theo dõi nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo những gì Bắc Kinh công bố, Chu bị khởi tố với 3 tội danh: Nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và cố ý tiết lộ bí mật quốc gia.
Trong đó, tội danh "tiết lộ bí mật quốc gia" được cho là "có ảnh hưởng lớn nhất", bởi có liên quan đến tình hình hoạt động của nội bộ đảng Trung Quốc.
The Diplomat nhận định, với tính chất như trên, 2 tội danh đầu tiên của ông Chu sẽ được xét xử công khai, trong khi cáo buộc cuối cùng sẽ được xử kín.
Điều này mở ra một vấn đề là, trong phiên xử công khai, Chu Vĩnh Khang sẽ tỏ ra "háo chiến" như Đào Ngọc Xuân, hay "ngoan ngoãn" nhận tội như Tưởng Khiết Mẫn. Bởi biểu hiện trên tòa của ông này chắc chắn sẽ là căn cứ quan trọng để nhà chức trách kiểm soát tiến trình vụ xét xử.
Tạp chí của Nhật khẳng định, "sinh mạng chính trị" của Chu Vĩnh Khang thực ra đã chấm hết kể từ khi ông Bạc Hy Lai "ngã ngựa".
Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ tìm cách buộc Chu "nhượng bộ", để hạn chế tối đa khả năng vụ ông Chu gây ảnh hưởng tiêu cực trong nội bộ đảng nước này.
Do đó, The Diplomat cho rằng, Bắc Kinh sẽ không công khai những tội danh thực sự của Chu Vĩnh Khang, và điều này "hoàn toàn không khó hiểu".
Di sản chính trị của ông Tập Cận Bình
Duowei cho hay, mặc dù chưa thể xác định những gì mà Chu Vĩnh Khang sắp phải đối diện, nhưng có thể xác định một số vấn đề từ việc "xét xử công khai".
Trong lúc này, chủ tịch Tập Cận Bình đang có chuyến công du 6 ngày tới Kazakhstan, Nga, Belarus từ 7/5 tới 12/5. Đặc biệt, ông Tập sẽ tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến Thắng phát xít tại Moscow ngày 9/5.
Báo chí trong và ngoài Trung Quốc đã dự đoán, nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới, đồng nghĩa với việc ông Tập Cận Bình sẽ "bắt tay" vào vụ đại án này ngay khi trở về từ chuyến công du Âu-Á nói trên.
Theo Duowei, chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" chính là di sản chính trị đắt giá của chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập chắc chắn sẽ duy trì và mở rộng chiến dịch này.
Chủ tịch Trung Quốc chắc chắn hy vọng vụ xử "con hổ lớn nhất" tính tới thời điểm này sẽ mang lại hiệu quả "chấn động", cho thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng tại các địa phương của Bắc Kinh "không phải chuyện đùa".
Cũng có thể dự đoán, trong vai trò "người dẫn đường chính trị" của Bạc Hy Lai, ông Chu khó có khả năng nhận mức án bằng hoặc nhẹ hơn Bạc.
Hồi năm 2013, Bạc đã bị tuyên án tù chung thân. Nói cách khác, "tử hình dường như là lựa chọn duy nhất đối với ông Chu" - The Diplomat bình luận.
Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng 3, cả Đại hội Đại biểu Hội đồng nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Tung Quốc đều chính thức tuyên bố cáo buộc các hành vi phạm tội của Chu Vĩnh Khang.
The Diplomat kết luận, động thái này của Bắc Kinh cũng chính là tín hiệu cảnh cáo mà chủ tịch Tập Cận Bình gửi tới toàn bộ quan trường Trung Quốc, đặc biệt là những đối tượng có ý định "đi theo con đường của Chu Vĩnh Khang".