Hậu duệ của đại nguyên soái Diệp Kiếm Anh phủ sóng báo chí Trung Quốc
Tuần san Tin tức Trung Quốc hôm 15/9 đăng tải thông tin, 23h30 ngày 26/8, nhóm nhạc nữ 2 thành viên Robynn & Kendy đến từ Hồng Kông đã có mặt tại trường quay, chính thức tham gia vòng thi Đối đầu thuộc show truyền hình The Voice of China.
Sau khi vòng thi Giấu mặt của The Voice of China được phát sóng tại Trung Quốc, hình ảnh về cha và chị ruột của Robynn Yip - một trong hai thành viên của nhóm nhạc trên - đã được đông đảo người xem truyền hình nhận ra.
Robynn Yip vốn được coi là thần tượng trong cộng đồng người Hoa trên Youtube, tuy nhiên phải tới gần đây thì truyền thông mới biết cô gái xinh đẹp này là cháu nội của đại nguyên soái Diệp Kiếm Anh, thuộc gia tộc họ Diệp tại Quảng Đông.
Theo đó, cha của Robynn - tên tiếng Hoa là Diệp Tình Tình - chính là ông Diệp Tuyển Liêm, con trai út của Diệp Kiếm Anh - một trong 10 đại nguyên soái “khai quốc công thần” của nước CHND Trung Hoa, còn chị ruột của cô là Diệp Minh Tử - nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới.
Được biết, ông Diệp Tuyển Liêm là con thứ 4 trong 6 người con của cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh, hiện là Chủ tịch công ty Kaili thuộc tập đoàn Poly Trung Quốc và Chủ tịch công ty Quốc Diệp Thâm Quyến. Hồi tháng 6 vừa qua, ông Diệp Tuyển Liêm, Diệp Minh Tử cùng Diệp Tình Tình cũng đã xuất hiện tại lễ khai mạc một chương trình nghệ thuật ngoài trời quy mô lớn của Diệp Minh Tử.
Ông Diệp Tuyển Liêm - con trai út của cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh - cùng 2 con gái Diệp Tình Tình (trái) và Diệp Minh Tử.
Gia tộc “khai quốc công thần” và cuộc chiến của Chủ tịch Tập Cận Bình
Trên thực tế, không phải đợi đến khi Diệp Tình Tình nổi lên như một ngôi sao ca nhạc thì gia tộc danh giá họ Diệp mới được chú ý. Giới quan sát nhận xét, trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến chống tham nhũng do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, hậu duệ gia tộc nguyên soái Diệp Kiếm Anh - được cho là đã có mối quan hệ giao hảo 2 đời với gia tộc ông Tập Cận Bình - đã liên tục có những động thái nổi bật trước truyền thông. Đặc biệt, trong những thời điểm “mấu chốt”, gia tộc họ Diệp đã đứng ra ủng hộ mạnh mẽ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tờ Mingpao (Hồng Kông) hôm 7/9 cho hay, con gái của Diệp nguyên soái là bà Diệp Hướng Chân tuyên bố, “hồng nhị đại” - thế hệ cách mạng thứ hai của Trung Quốc - mặc dù có rất nhiều người ngồi vào cương vị lãnh đạo và tuổi tác đã cao, nhưng cũng không hề bị tệ nạn tham nhũng ảnh hưởng.
Phát ngôn của bà Diệp Hướng Chân về “hồng nhị đại” được cho là đại diện cho gia tộc họ Diệp “ra đòn” nhằm vào các lãnh đạo tham nhũng đã “ngã ngựa” như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và ủng hộ ông Tập Cận Bình.
Cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh (giữa) và 6 người con. Từ trái qua: Diệp Tuyển Liêm, Diệp Tuyển Bình, Diệp Hướng Chân, Diệp Kiếm Anh, Diệp Tuyển Ninh, Diệp Sở Mai, Diệp Văn San.
Yêu cầu chính quyền mạnh tay sau vụ Từ Tài Hậu “ngã ngựa”
Ngày 30/6, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu “ngã ngựa” vì lính líu vào các hoạt động tham nhũng trong quân đội.
Ngày 3/7, con gái nuôi của cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh là bà Đới Tình phát biểu từ Mỹ, chỉ trích gay gắt Từ Tài Hậu cùng các tham quan trong quân đội là “coi trời bằng vung, tự tung tự tác”. Bà Đới cũng kêu gọi chính quyền mạnh tay trong hoạt động chống tham những và trừng trị các thế lực cũng như nhóm lợi ích đứng sau các tham quan.
Ủng hộ ông Tập sau “sự kiện Trùng Khánh”
Tháng 2/2012, sau khi có những thông tin được cho là cáo buộc Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai đảo chính, nhà họ Diệp cũng đã có những hành động mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, sau sự kiện Vương Lập Quân - cựu Chủ nhiệm Ủy ban an ninh Trùng Khánh, cánh tay phải một thời của Bạc Hy Lai - chạy trốn vào Lãnh sự quán Mỹ và bị bắt, ông Diệp Tuyển Ninh - con trai thứ của cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh - chính là người đầu tiên gửi thư lên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu Bạc Hy Lai từ chức, đứng ra đại diện cho lập trường của tập thể hậu duệ các cựu lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Diệp Tuyển Ninh hiện được giới quan sát chính trị cho là đại diện của gia tộc họ Diệp tại Quảng Đông và có quyền lực khá lớn trong nội bộ tập thể gồm con cháu các cựu lãnh đạo Trung Quốc.
Một số thông tin khác cũng cho thấy gia tộc cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã đóng góp công sức rất lớn cho cơn bão chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.
Thẳng thừng “phán” Bạc Hy Lai
Hôm 19/4, trang Phượng Hoàng đăng tải bài viết “Con gái Diệp nguyên soái đánh giá vụ Bạc Hy Lai bị trừng trị tội tham nhũng”, trong đó dẫn lời bà Diệp Hướng Chân nói về cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai – một nhân vật thuộc “hồng nhị đại”: Gia giáo không tốt.
4 chữ ngắn ngủi của bà Diệp Hướng Chân được cho là đã công khai thái độ của gia tộc họ Diệp đối với sự kiện Bạc Hy Lai và tỏ rõ lập trường ủng hộ ông Tập.
Tờ báo đảng Trung Quốc Nhân Dân Nhật Báo cũng đã đăng tải lại bài viết trên.
"Gia giáo không tốt" - lời bình ngắn ngủi của bà Diệp Hướng Chân đối với Bạc Hy Lai đủ để thể hiện lập trường của gia tộc họ Diệp, đả kích mạnh mẽ tệ tham nhũng tại Trung Quốc và ủng hộ chiến dịch của ông Tập.
Luôn đồng hành cùng Chủ tịch Tập Cận Bình
Ngày 26/8, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Thượng Hải xóa bỏ 8 bài thơ cổ và 5 bài văn thuộc môn “Ngữ văn” tiểu học.
Ngày 9/9, Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Ngày nhà giáo Trung Quốc tại Đại học sư phạm Bắc Kinh đã tuyên bố cảm thấy bất mãn với hành động xóa bỏ thơ cổ.
Hôm 24/9, ông Tập tham dự Hội thảo quốc tế kỷ niệm 2565 năm ngày sinh của Khổng Tử do ông Diệp Tuyển Bình - trưởng nam của cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh - đứng ra tổ chức. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc tôn sùng Khổng Tử. Động thái của ông Tập được cho là phê phán nhằm vào hành động của Thượng Hải. Thành phố trung tâm kinh tế của Trung Quốc này cũng được cho là “đại bản doanh” của một số tập đoàn tham nhũng muốn đối đầu với chính quyền Bắc Kinh.
Ông Diệp Tuyển Bình (trái) và cố nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Ông Diệp Tuyển Bình cũng từng đảm nhận vị trí trọng yếu trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Diệp Tuyển Bình sinh năm 1924, từng đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hiệp thương chính trị Trung ương thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc khóa VII,VIII và IX, ngoài ra ông còn từng làm Chủ tịch tỉnh Quảng Đông – nơi được coi là “căn cơ” của gia tộc họ Diệp.
Ngày 12/8, Nhân Dân Nhật Báo đưa tin từ website của Cục khoa học kỹ thuật thành phố Vân Phù cho hay, Diệp Trọng Hào đã đến thăm một tập đoàn tài chính thuộc tỉnh Quảng Đông với tư cách Chủ nhiệm Ủy ban quản lý quận Cao Tân, thành phố Vân Phù, tỉnh Quảng Đông.
Bản tin từ Nhân Dân Nhật Báo cho biết ông Diệp Trọng Hào - sinh năm 1983 - đảm nhiệm chức vụ trên từ tháng 2, đồng thời giới thiệu ông này là cháu nội của cựu Phó chủ tịch Hiệp thương chính trị Diệp Tuyển Bình. Diệp Trọng Hào là cháu gọi Diệp Kiếm Anh bằng ông cố nội.
Được biết, chuyến công tác trên của Diệp Trọng Hào đã được thực hiện từ ngày 11/4, và được Cục khoa học kỹ thuật Vân Phù đăng tải ngày 16/4, đồng nghĩa với việc Nhân Dân Nhật Báo ngày 12/8 đã đăng tải một thông tin cũ.
Diệp Trọng Hào - cháu gọi Diệp Kiếm Anh bằng ông cố nội - xuất hiện "nổi bật" trên Nhân Dân Nhật Báo đúng vào thời điểm nhạy cảm, sau khi "hổ béo" Chu Vĩnh Khang ngã ngựa.
Thực chất, thời điểm Nhân Dân Nhật Báo đăng tải bản tin trên được cho là giai đoạn nhạy cảm của chính trị Trung Quốc, sau khi ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương - bị Bắc Kinh tuyên bố lập án điều tra hôm 29/7.
Trước tình hình đó, động thái của Nhân Dân Nhật Báo được cho là không bình thường, và được giới quan sát nhận định là dấu hiệu thể hiện rõ hơn gia tộc họ Diệp tại Quảng Đông là một thế lực lớn thực sự luôn đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình trong cơn bão chống tham nhũng của ông Tập.