Ghê sợ loại độc dược "Hơi thở của quỷ"

Các chuyên gia y tế đang lo ngại về loại độc dược được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới mà bọn tội phạm Colombia đang dùng để khống chế nạn nhân, đưa họ vào trạng thái vô hồn.

"Hơi thở của quỷ"

Trang Business Insider tuần này đưa tin cho biết, giới tội phạm Colombia đang sử dụng một loại ma túy làm từ thảo dược có tên gọi là scopolamine hay còn được biết đến với biệt danh “Hơi thở của quỷ”, có khả năng khiến người dùng rơi vào trạng thái vô thức và dễ dàng làm theo sai khiến của người khác.

Tạp chí Vice (Mỹ) đã gọi biệt dược này là “loại thuốc đáng sợ nhất thế giới”.

Độc dược thôi miên mà bọn tội phạm Colombia hay dùng không có mùi vị nên dễ cho vào đồ uống mà không bị phát hiện - Ảnh: Flickr

“Các nạn nhân đi chơi và hai hoặc ba ngày sau đó sẽ thấy mình tỉnh dậy trên một ghế đá công viên. Họ thường đến đây khám trong tình trạng mất sạch đồ đạc tư trang”, Maria Fernanda Villora, một y tá tại Bệnh viện Đại học San Jose ở thủ đô Bogota (Colombia), thuật lại.

Cô này cho biết mỗi tuần bệnh viện đều có trường hợp bị dính loại thuốc này.

Loại thuốc ghê sợ này không có mùi vị và bọn tội phạm thường bỏ vào trong đồ uống ở các quán bar để khống chế con mồi, các chuyên gia y tế cho hay.

Hồi năm 2012, cảnh sát Colombia cho biết đã có gần 1.200 nạn nhân của loại tội phạm này. Các nạn nhân thuộc mọi thành phần xã hội Colombia, từ chính khách cấp cao cho đến thường dân.

Loại thuốc trên được bào chế từ hạt của một loại cây cùng họ với cây loa kèn hay cà độc dược cảnh (angel’s trumpet). Loại cây này mọc ở nhiều vùng tại Colombia và có thể tìm thấy chúng tại Vườn Thực vật ở thủ đô Bogota, theo Business Insider.

Loại thuốc bào chế từ cây này thực ra cũng có một số tác dụng hữu ích, chẳng hạn như chống say xe và chữa chứng động kinh của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, nó được biết nhiều hơn về khả năng thôi miên.

Scopolamine có thể ngăn dây thần kinh mang thông tin đến khu vực lưu trữ ký ức ngắn hạn của não bộ, tiến sĩ Camilo Uribe, người đứng đầu Khoa Nghiên cứu chất độc tại Bệnh viện Đại học San Jose và là chuyên gia hàng đầu thế giới về loại ma túy này, cho hay.

Điều này đồng nghĩa với việc những người uống phải nó sẽ không nhớ gì xảy đến với họ trong thời gian thuốc có tác dụng. Ngoài ra, thuốc còn khiến người dùng dễ bị sai bảo hơn, theo tiến sĩ Uribe.

Độc dược đã được sử dụng từ lâu

Josef Mengele, “bác sĩ tử thần” của Đức Quốc xã, từng dùng scopolamine như một loại thuốc chống nói dối để moi thông tin từ tù binh.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng sử dụng thuốc này trong giai đoạn thí nghiệm chương trình điều hướng hành vi gây nhiều tranh cãi trong thập niên 1960, theo tiết lộ của John D. Marks, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Từ những năm 1970, giới tội phạm Colombia đã bắt đầu dùng scopolamine để hãm hiếp phụ nữ, “dọn” nhà người dân và bắt cóc trẻ em.

Độc dược thôi miên của Colombia được bào chế từ loại cây cùng họ với cây loa kèn hay cà độc dược cảnh - Ảnh: Getty Image

Hồi năm 2012, bọn bắt cóc đã lừa một cặp phụ huynh của một bé gái 7 tuổi ở miền bắc bang Antioquia (Colombia) và bắt đi đứa trẻ. Cảnh sát giải cứu cô bé hai tháng sau đó. Nhưng vì cha mẹ bé hầu như không nhớ gì về thời điểm gặp thủ phạm nên họ không thể cung cấp thông tin gì cho cảnh sát.

Ngoài ra, cảnh sát Colombia còn cho biết có nhiều nạn nhân là người đã lập gia đình bị bỏ thuốc khi đi chơi ở các quán bar. Những người này thường không báo cảnh sát vì không thể nhớ ra những gì đã xảy đến với mình, cảnh sát cho hay.

Một vụ nổi tiếng có liên quan đến scopolamine là trường hợp ba cô gái trẻ tại Bogota bôi thuốc lên ngực để dụ đám đàn ông hôn lên. Rơi vào trạng thái vô hồn, các nạn nhân đã khai ra mật mã truy cập tài khoản ngân hàng. Băng cướp này sau đó đã vét sạch tài khoản của các nạn nhân, Reuters cho hay.

Cảnh sát Colombia còn cho hay, nạn nhân của thuốc scopolamine còn dễ dàng bị sai khiến gây tội ác.

“Tôi có thể đưa cho bạn một khẩu súng và kêu bạn đi giết ai đó thì bạn sẽ đi ngay”, tiến sĩ Uribe cho biết và kể lại trường hợp một nhà ngoại giao Colombia bị bắt tại Chile vì tội buôn lậu cocaine hồi đầu năm 1980. Sau cùng cảnh sát khám phá ra rằng ông này bị chuốc scopolamine nên đã bị sai khiến.

Tuy nhiên, scopolamine cũng có tác dụng phụ khiến người dùng đôi lúc có thể trở nên kích động, hung hăng và sẽ tấn công ngược lại kẻ bỏ thuốc mình.

Chúng tôi cũng ghi nhận được trường hợp các bác sĩ tại một bệnh viện cấp cứu cho một nạn nhân bị bỏ thuốc scopolamine và kẻ chuốc thuốc, người bị con mồi của mình đánh cho nhừ tử”, ông Uribe nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại