“Gã đồng nát” Trung Quốc đòi mua New York Times

Triệu phú Chen Guangbiao đang “nổi như cồn” với tuyên bố đầy tự tin rằng ông sẽ sở hữu tờ Thời báo New York (The New York Times) dù cho tờ báo này không được rao bán.

Xuất thân bần hàn, phải kiếm tiền từ khi 10 tuổi và “phất lên” nhờ phế liệu, triệu phú Chen Guangbiao đang thu hút sự chú ý của dư luận vì ý tưởng mua lại tờ Thời báo New York nổi tiếng của Mỹ.

Trước đó, Chen nổi tiếng vì các hoạt động từ thiện và là một trong những doanh nhân Trung Quốc thành đạt khởi nghiệp từ “hai bàn tay trắng”.

Tuổi thơ nghèo đói

Sinh năm 1968 trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, Chen là con trai của một nông dân tên Shihong ở tỉnh Giang Tô. Gia đình Chen nghèo đói tới mức hai chị em của ông đã chết vì thiếu ăn và bản thân ông phải bắt đầu lao động rất sớm.

Theo Beijing Review, tố chất nhạy bén trong kinh doanh được Chen bộc lộ khi mới 10 tuổi.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa ở trường, cậu bé Chen mang 2 thùng gỗ chứa nước đem từ ngôi làng nhỏ, nghèo nàn của cậu tới một thị trấn cách đó 2km. Mỗi ngày, cậu bé kiếm được 0,3 nhân dân tệ (0.04 USD), gần bằng nửa ngày lương của một người lớn khi đó.

“Con biết nhà mình nghèo, nhưng con vẫn muốn được đi học. Nếu con có thể tự kiếm tiền để đóng học phí, hãy cho con tiếp tục học”, Chen nói với mẹ.

Công việc bán bước đã giúp Chen trở thành đứa trẻ giàu có nhất làng. Chen không chỉ tự trả học phí của mình mà còn trả tiền học cho một số đứa trẻ khác.

Thành công ban đầu mở ra một con đường làm thay đổi cuộc đời Chen. Ở tuổi 13, Chen đạp xe đạp hơn 10km mỗi ngày để bán kem và sau đó chuyển sang bán đồ thực phẩm. Đến 17 tuổi, Chen đã kiếm được 20.000 nhân dân tệ (2.941 USD) và trở thành thanh niên giàu có nhất thị trấn.

Mặc dù thành công trong công việc kinh doanh, Chen vẫn muốn đi học đại học. Năm 1985, Chen thi đỗ và học tại Đại học Nam Kinh về y học cổ truyền Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, Chen ở lại Nam Kinh lập nghiệp.

 

Con đường tới triệu phú nổi tiếng

Ngay sau khi tốt nghiệp, Chen đầu tư kinh doanh một thiết bị được dùng trong ngành y tế Trung Quốc để phát hiện bệnh.

Thiết bị y tế đó đã đem lại món lời đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh chính thức của Chen. Vào cuối những năm 1990, Chen đổi lĩnh vực kinh doanh sau khi phát hiện ra một thị trường ngách mà ông mô tả là “một mỏ vàng vô hình ở ngay giữa lòng thành phố”: Các công trường xây dựng.

Năm 2003, một sân vận động cũ ở Nam Kinh chuẩn bị được dỡ bỏ và Chen được mời thầu. Chen được yêu cầu dỡ bỏ sân vận động này trong vòng 1 tháng và không nhận được khoản thanh toán nào. Và nhà triệu phú tương lai nảy ra ý tưởng kiếm lời từ sắt cũ thu được sau khi phá sân vận động này. Cuối cùng, chỉ riêng sắt phế thải đã đem lại cho Chen 4 triệu nhân dân tệ (588.200 USD) và thu lời 1,85 triệu nhân dân tệ (272.000 USD).

Hiện Chen đang điều hành một công ty xử lý rác thải ở tỉnh Giang Tô và sở hữu khối tài sản ước tính 810 triệu USD. Tháng 9/2013, Chen được xếp là một trong 400 người giàu có nhất Trung Quốc (đứng thứ 372).

Nhưng Chen nổi tiếng vì các hoạt động từ thiện kì quặc mà giới phê bình cho rằng có mục đích chủ yếu để thu hút sự chú ý của dư luận. Chen trả tiền cho các nhà báo địa phương để họ viết về các hành động từ thiện “gây sốc” của ông như dúi hàng cuộn tiền vào tay dân làng hay xịt bọt chữa cháy vào miệng để khuyến khích phòng trừ thảm họa.

Nhà triệu phú này tuyên bố đã tìm thấy 200 thi thể từ đống đổ nát trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Chen cũng ủng hộ 15 triệu USD cho các hoạt động tái thiết sau động đất và tự chụp một loạt ảnh trong đó yêu cầu người dân ở đây giơ các tập tiền mặt được Chen trao tặng.

Năm 2012, trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình bài Nhật xung quanh việc tranh chấp quần đảo Senkaku, Chen đã mua 43 chiếc xe hơi sản xuất ở Trung Quốc để tặng cho những người sở hữu xe hơi Nhật bị đập phá. Tại sự kiện đó, Chen mặc bộ áo màu xanh nõn chuối và nhảy lên nóc xe được trải thảm đỏ.

Năm 2013, trong suốt thời gian sương mù do ô nhiễm tiến tới mức tồi tệ nhất ở Bắc Kinh, Chen bắt đầu bán các lon “không khí sạch” in hình chính ông và mang những “mùi hương” được Chen đặt tên là “Đài Loan hậu công nghiệp”. Cũng trên vỏ các lon không khí này, Chen cho in dòng chữ “Chen Guangbiao là người tốt”.

Ngoài ra, Chen còn phát những phong bì chứa hàng nghìn đô la trên các đường phố ở Đài Loan.

Tuy nhiên, những hành động tưởng như kì quặc của Chen lại là những bước đi khôn ngoan về kinh doanh. Theo một báo cáo của tờ Nhật báo kinh doanh Trung Quốc (China Business Daily), sau khi trở thành một nhà từ thiện nổi tiếng, Chen bắt đầu nhận được các hợp đồng “béo bở” từ chính quyền Trung Quốc. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc còn đưa ra chỉ thị cho truyền thông nước này không đăng các bài viết tiêu cực về Chen. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của một loạt các bài báo chỉ trích Chen, có vẻ chỉ thị đó đã được dỡ bỏ.

Gây sốc với ý tưởng mua lại Thời báo New York

Sau tuyên bố sẽ tìm cách mua lại tờ báo Mỹ nổi tiếng, triệu phú 45 tuổi tự thân bị dư luận coi là người “háo danh”, ngây thơ và quá lạc quan về ý tưởng kinh doanh này.

Tuy nhiên, dù thế nào, Chen cũng không có cơ hội sở hữu Thời báo New York trong lúc giá cổ phiếu của tờ báo này tăng 90% trong năm qua. Ban lãnh đạo tờ báo này cho hay họ không có kế hoạch gặp gỡ nhà triệu phú này và còn nhiều triệu phú khác có sẵn tiền hơn Chen cũng có mong muốn tương tự. Chủ tịch Thời báo New York Arthur Sulzberger khẳng định tờ báo này không thể đem bán.

Nhưng Chen khẳng định ông hoàn toàn nghiêm túc về việc mua lại Thời báo New York và đây là ý tưởng được ông thai nghén trong hơn 2 năm.

Không có gì là không mua được nếu chúng ta đưa ra mức giá hợp lý”, Chen trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.

Chen ước tính trị giá của Thời báo New York là 1 tỷ USD nhưng khẳng định ông sẽ sẵn lòng thương lượng. Chen cho hay mặc dù lượng tiền của ông có hạn, ông đã thuyết phục một nhà tài phiệt Hồng Kông giấu tên đầu tư 600 triệu USD còn Chen sẽ trả phần còn lại.

Tháng 8/2012, Chen thu hút sự chú ý của dư luận khi đặt quảng cáo tới nửa trang báo trên tờ Thời báo để đăng tuyên bố rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc về chủ quyền Trung Quốc từ thời xa xưa.

“Sau đó, tôi nhận ra rằng tờ báo có tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn trên toàn thế giới. Mọi chính phủ và đại sứ quán ở khắp nơi trên thế giới đều chú ý tới Thời báo New York”, Chen tâm sự.

“Nếu tôi sở hữu Thời báo New York, tờ báo sẽ chỉ đăng sự thật và phải kiểm chứng mọi thông tin”, Chen khẳng định và nói thêm rằng ông muốn mọi gia đình Trung Quốc sẽ tìm đọc tờ báo này.

Chen cũng cho biết, nếu “thương vụ” với Thời báo New York thất bại, ông sẽ tìm cách mua lại CNN, Bưu điện Washington (Washington Post) hay Thời báo phố Wall (Wall Street Journal).

“Tôi vẫn sẵn lòng mua lại các phiên bản báo nhỏ bé hơn, miễn đó là tờ báo có tầm ảnh hưởng nào đó”, Chen tuyên bố.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại