EU sẽ ra sao nếu Thủ tướng Merkel “ra đi”?

Đức Dũng |

Vị thế chính trị của Thủ tướng Đức đang bị suy yếu cả ở trong nước và khắp châu Âu. Nếu sự nghiệp của bà Angela Merkel kết thúc trước thời hạn thì EU sẽ vô cùng khó khăn khi phải đối phó với những thách thức bên trong và bên ngoài khu vực.

Nhận định trên do tờ Business Insider (Mỹ) đưa ra.

Hãng Ria Novosti trích dẫn bài viết đăng trên tờ Business Insider (BI) của Mỹ cho hay, năm ngoái cả thế giới đều lo lắng về lối thoát cho Hy Lạp khỏi khu vực đồng Euro thì gần đây một số người lại bắt đầu nói về sự rút lui của Anh quốc khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Nhưng hiện tại một nguy cơ mới nghiêm trọng đang xuất hiện – đó là “sự ra đi” của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

“Lần đầu tiên sau một thập kỷ nắm quyền, tương lai của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ngàn cân treo sợi tóc. Theo tôi, bà Thủ tướng có thể đối phó tốt với một bài kiểm tra năng lực để tiếp tục lãnh đạo và tranh cử nhiệm kỳ thứ tư.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy nguy cơ về sự ra đi của bà Merkel trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017 tại Đức.

Sự kiện này sẽ là một trong những nguy cơ gây nên tình trạng mất ổn định chính trị nhất đối với EU và có thể là cả thế giới”, tờ báo trích dẫn lời của bà Tina Fordham, trưởng bộ phận phân tích chính trị toàn cầu của Hãng Citi group.

BI đánh giá bà Angela Merkel là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế. Thủ tướng Đức đã đi đầu trong việc giải quyết vấn đề của Hy Lạp và các cuộc đàm phán về Hiệp định Minsk.

Tuy nhiên, quyết định tiếp nhận người tị nạn từ Trung Đông vào năm 2015 của bà Merkel lại rất không được ủng hộ tại Đức và các quốc gia châu Âu khác.

BI dẫn so sánh của chính trị gia Tina Fordham cho thấy, xếp hạng (uy tín) của Thủ tướng Đức đã giảm mạnh còn 49% vào tháng 11 so với con số 67% vào tháng 8 năm ngoái.

Một đòn chính trị lớn đánh vào vị thế của bà Merkel gần nhất là sự kiện một số phụ nữ ở Cologne bị tấn công tình dục trong đêm giao thừa, theo đó những người nhập cư bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra các vụ tấn công.

Sự kiện này tiếp tục làm gia tăng sự không hài lòng đối với chính sách di dân của bà Thủ tướng.

"Cuộc khủng hoảng người nhập cư/tị nạn có thể gây mất ổn định cho EU hơn là tình hình của Hy Lạp.

Liệu nó (cuộc khủng hoảng người nhập cư) có khả năng triệt hạ sự nghiệp của chính trị gia “kiệt xuất” của châu Âu, người đã nỗ lực hết sức để giải quyết tình hình này?”, bà Tina Fordham đặt câu hỏi.

Theo quan điểm của Giám đốc Ian Bremmer và Chủ tịch Cliff Kupchan của công ty tư vấn Eurasia Group, “lòng tốt phi thường” của bà Merkel đã ít nhiều thu hút người nhập cư đứng về phía mình tại Đức, sự kiện chưa hề xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào.

Bàn tiếp nhận người nhập cư. (Ảnh biếm họa)
Bàn tiếp nhận người nhập cư. (Ảnh biếm họa)

Song, tình hình di cư sẽ làm suy yếu vị thế chính trị của Thủ tướng Đức và có thể gây ra các vấn đề nội bộ khó khăn cho bà Merkel trong những tháng tới đây.

Tình trạng này cũng làm giảm đi cơ hội để châu Âu có thể thống nhất lực lượng đối phó với cuộc khủng hoảng. Điều đó cũng có nghĩa sẽ xảy ra thay đổi to lớn trong cách thức các nước châu Âu tương tác với nhau và với phần còn lại của thế giới.

Thái độ tức giận ngày càng cao của các quốc gia châu Âu đối với Đức cũng góp phần làm giảm uy tín của bà Merkel.

“Sự ra đi của bà Merkel là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thật khó để khẳng định rằng, vị thế chính trị của Thủ tướng Đức bị suy yếu là do những bất đồng của người dân với chính sách di cư của bà. Và điều này chính bản thân nó đã là một sự thay đổi lớn đối với châu Âu” - BI kết luận,.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại