EU "lạnh nhạt" với Ukraine: Gió đã xoay chiều?

Đức Dũng |

Ngày 2/10, lãnh đạo “Bộ tứ Normady” đã có cuộc hội đàm tại Paris, Pháp bàn về tình hình khủng hoảng Ukraine.

Một loạt chi tiết trong hội đàm cho thấy EU dường như đã “phớt lờ” các lợi ích của Kiev để thực hiện theo đề xuất của Nga.

Thỏa thuận Minsk-2 được các bên ký kết vào tháng 2/2015 sau thời gian đàm phán kỷ lục, lên đến gần 17h đồng hồ.

Tuy nhiên, trong lần đàm phán này, các bên dường như đã dễ dàng hơn trong việc đưa ra những thỏa thuận để thống nhất với nhau mà nguyên nhân chủ yếu lại đến từ những chuyển biến trong quan điểm của Pháp, Đức theo chiều hướng tích cực cho lập trường của Nga.

Giới phân tích chính trị và báo chí quốc tế đánh giá rất tích cực về cuộc gặp lần này của lãnh đạo “Bộ tứ Normady”.

Tổng thống Nga V.Putin, Thủ tướng Đức A.Merkel, Tổng thống Pháp F.Hollande và Tổng thống Ukraine Poroshenko đã thảo luận về việc tiếp tục thực hiện các điều khoản của Minsk-2.

Kết quả hội đàm cho thấy các bên chưa thực sự có đột phá nào để giải quyết tình hình Ukraine nhưng đã có những tiến triển nhất định.

Tuy vậy, với chính quyền của ông Poroshenko, những tiến triển này lại diễn biến theo hướng bất lợi cho họ.

Minsk-2016: Thắng lợi rõ ràng của ông Putin

Một trong những kết quả chính mà cuộc gặp “Bộ tứ Normady” đạt được lần này là tiếp tục kéo dài thực hiện Minsk-2 sang năm 2016 mặc dù trên thực tế, các bên không ký kết bất cứ hiệp định bổ sung nào.

Điều đáng nói là mặc dù ông Poroshenko trước đó đã lên tiếng sẽ phản đối điều này nhưng rốt cục, Tổng thống Poroshenko vẫn phải thống nhất với phương án này.

Vấn đề là ở chỗ việc tiếp tục thực hiện Minsk-2 đồng nghĩa với việc những gì ông Putin mới tuyên bố đã thành hiện thực.

Trước đó, trong buổi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Mỹ CBS, Tổng thống Putin đã mô tả chi tiết cách thức Ukraine vi phạm Minsk-2 và có thể các nội dung này đã được ông Putin đưa ra khi trao đổi với người đồng cấp Pháp và Đức.

Theo Giám đốc Trung tâm Bối cảnh Chính trị Nga Aleksey Chesnakov, kết quả cuộc gặp lần này cho thấy Ukraine sẽ buộc phải chấp nhận đạo luật về bầu cử đã được thống nhất với Donetsk và Lugansk.

“Nếu như trong cuộc gặp của Nhóm Tiếp xúc diễn ra ngày 6/10 tới các bên thống nhất quyết định sẽ kéo dài việc thực hiện Minsk-2 sang năm 2016 thì điều đó đồng nghĩa với việc các nước Cộng hòa Nhân dân ly khai (Donetsk và Lugansk) sẽ đồng ý rời các cuộc bầu cử đến tháng 2-3/2016 từ mốc 18/10 (với Donetsk) và 1/11 (với Lugansk).

Đây là thắng lợi rõ ràng của ông Putin” - Aleksey Chesnakov nhận định.


Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Những “thất bại khó nuốt” của Ukraine

Trong cuộc hội đàm 4 bên, vấn đề tổ chức các cuộc bầu cử ở Donbass là chủ để rất được quan tâm. Các bên đã thống nhất các cuộc bầu cử này sẽ không được tổ chức vào thời điểm đã định.

Ukraine kiên quyết rằng các cuộc bầu cử này là bất hợp pháp và là sự vi phạm Minsk-2.

Trong khi đó, khác với sự ủng hộ thường thấy với Ukraine, Thủ tướng Đức A.Merkel chỉ yêu cầu Nga phải có trách nhiệm kiểm soát việc tổ chức bầu cử ở Donbass để các cuộc bầu cử này diễn ra trong khuôn khổ Minsk-2.

Tổng thống Pháp F.Hollande chỉ tuyên bố các cuộc bầu cử ở Donbass phải đúng pháp luật Ukraine và phải tổ chức trong khuôn khổ Nhóm làm việc đặc biệt.

Một vấn đề nữa có thể coi là thất bại đối với Ukraine là nước này phải thực hiện ân xá cho các “nhà hoạt động Donbass”.

Đây chính là nội dung mà Tổng thống Putin thường yêu cầu thực hiện khi nhóm họp “Bộ tứ Normady”.

Quy chế đặc biệt cho Donbass cũng trở thành “niềm đau” cho ông Poroshenko. Lãnh đạo 4 bên đã đạt được thỏa thuận về việc Ukraine phải chấp thuận điều luật này và đưa nó vào trong Hiến pháp quốc gia.

Đáng chú ý là điều luật này phải được áp dụng từ ngày tổ chức bầu cử.

Việc rút các phương tiện kỹ thuật quân sự là nội dung đáng chú ý thứ 4 của cuộc gặp lãnh đạo “Bộ tứ Normady” lần này.

Việc rút các loại pháo cỡ nòng 100 mm sẽ được thực hiện trong vòng 41 ngày và quá trình này bắt đầu được thực hiện từ ngày 3/10.

Theo Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga Frantsa Klintsev, các nội dung đạt được lần này sẽ là tiền đề để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine.

Một Ukraine… không có Crimea

Điểm nhấn đáng chú ý trong hội đàm “Bộ tứ Normady” lại đến từ những tuyên bố cho thấy sự thay đổi quan điểm của lãnh đạo châu Âu đối với việc giải quyết vấn đề Ukraine.

Thủ tướng Đức A.Merkel đã lần đầu tiên nói về việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine mà… không có Crimea.

Bà Merkel chờ đợi một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở trong lãnh thổ Ukraine nhưng “điều đó không liên quan đến Crimea mà chỉ liên quan đến phần lãnh thổ còn lại của Ukraine”.

Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksey Pushkov, điều đó cũng đồng nghĩa là bà Merkel về nguyên tắc đã lần đầu tiên thừa nhận Crimea sẽ không trở lại trong thành phần Ukraine.

Ngoài ra, bà Merkel còn đưa ra một tuyên bố khiến Ukraine phải “rầu lòng”: không chỉ phe ly khai mà cả chính quyền Ukraine cũng đã vi phạm quy chế ngừng bắn.


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Ông Poroshenko bị “phớt lờ”

Một điểm đáng chú ý là các bên đã tổ chức các cuộc gặp song phương trước khi tất cả lãnh đạo “Bộ tứ Normady” tiến hành hội đàm.

Lần lượt bà Merkel và ông Hollande tiến hành hội đàm song phương với ông Putin, trong khi ông Poroshenko không được “đoái hoài” đến.

Theo thông tin từ phía Ukraine, mặc dù ông Poroshenko đã đưa ra đề nghị tiến hành các cuộc gặp song phương nhưng yêu cầu này đã không được chấp nhận.

Sau đó Thư ký báo chí của ông Putin lên tiếng khẳng định: cuộc gặp song phương với ông Poroshenko không có trong lịch trình của lãnh đạo Nga.

Theo giới phân tích Nga, một loạt những dấu hiệu trên cho thấy EU đã thay đổi thái độ, sự ủng hộ trước kia với Ukraine để thực hiện các bước đi theo đề nghị của Nga và dường như “gió đã xoay chiều”.

Nếu không nhận được sự ủng hộ của phương Tây như trước kia, nhiều khả năng Ukraine sẽ không thể ngăn vùng Donbass tiến đến quy chế đòi tự trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại